"SAN ANDREAS" - BOM TẤN KHỦNG GÂY NGHẸT THỞ VỀ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT
4K UHD BLU-RAY
IMDB:6.3/10
Mặc dù đã qua thời đỉnh cao, thậm chí đang ở giai đoạn suy thoái nhưng nhánh phim thảm họa thiên nhiên (thuộc thể loại phim thảm họa) vẫn còn một chỗ đứng nhất định trong lòng người xem. Không còn được sản xuất ồ ạt như trong thập niên 70 hay 90 của thế kỷ trước,
thi thoảng lắm phim thảm họa thiên nhiên mới được Hollywood cho ra đời 1, 2 tác phẩm. Gần đây nhất phải kể đến2012, The Impossible, Into the Storm. Một trong những nguyên nhân khiến thể loại phim này rơi vào thoái trào vì mô típ cũ rích và cách thể hiện chẳng có gì mới.
Việc tung San Andreas ra đúng vào mùa phim hè, nơi phô diễn của hàng tá tác phẩm lớn, có thể coi là quyết định liều lĩnh của hãng phát hành Warner Bros.. Các nhà sản xuất đã lựa chọn hình ảnh nam diễn viên chính Dwayne Johnson để đưa vào chiến dịch quảng bá.
Và quyết định này của Warner Bros. đã hoàn toàn chính xác. Chỉ qua ba ngày công chiếu, San Andreas đã càn quét 3777 hệ thống rạp trên toàn Bắc Mỹ và thu về 53,2 triệu $ (1117 tỷ VNĐ). Một con số tương đối cao.
Với 53,2 triệu USD doanh thu trong ba ngày cuối tuần, bom tấn thảm họa "San Andreas" đã trở thành tân quán quân phòng vé Bắc Mỹ. Doanh thu 53,2 triệu USD mà bộ phim thu được là cao hơn nhiều so với cột mốc 40 triệu USD mà các chuyên gia dự đoán trước đó.
Không khí hoảng loạn không chỉ bao trùm Bắc Mỹ, San Andreas còn gây hoang mang tại 60 quốc gia khác trên thế giới. 55 trên tổng số 60 thị trường, San Andreas đều xếp thứ nhất trong tuần ra mắt và kiếm về 60 triệu $. Như vậy tổng doanh thu toàn cầu mà hãng Warner Bros. bỏ chỉ trong tuần đầu ra mắt là 103,2 triệu $ (2167,2 tỷ VNĐ).
Warner Bros. không phải là kẻ thắng cuộc duy nhất. Dwayne Johnson cũng thành công không kém nếu xét về nghề nghiệp. San Andreas trở thành bộ phim mà The Rock đảm nhận vai chính có doanh thu mở hàng cao nhất từ trước tới nay. Gần đây, những G.I. Joe hay Fast & Furious tuy có lợi nhuận cao hơn nhiều nhưng anh chỉ là một phần trong dàn diễn viên nổi tiếng.
Nhà phân tích Paul Dergarabedian nhận định: "Johnson rõ ràng là một trong những ngôi sao hút khách nhất tại rạp chiếu ngày nay. Phong thái, sự hài hước cùng thân hình vạm vỡ đặc trưng của anh ấy là lý do mà các nhà làm phim luôn tìm tới anh ấy để thu hút khán giả và tăng thêm sự hấp dẫn cho bộ phim."
Với kinh phí 110 triệu USD, bom tấn thứ năm của mùa hè 2015 là một trong những bộ phim đầu tiên về đề tài thảm họa được dựng bởi công nghệ 3D. Công nghệ 3D trong điện ảnh vốn được phát minh nhằm mang tới những trải nghiệm hình ảnh, âm thanh chân thực, sống động hết mức có thể cho khán giả của nghệ thuật thứ bảy.
Từ Avatar (2009) của đạo diễn James Cameron, công nghệ 3D ngày càng trở nên thân thuộc với các siêu phẩm điện ảnh phô diễn những pha hành động ngoạn mục, những cảnh quay hoành tráng, quy mô. Đây có thể coi là một “vũ khí” đắc lực cho các nhà sản xuất phim khai thác những đề tài về vũ trụ, thiên nhiên hay những cuộc du hành không gian, thời gian.
Tuy nhiên, một “mảnh đất màu mỡ” khác mà dường như công nghệ 3D chưa ngó tới là chùm phim về đề tài thảm họa. Êkíp sản xuất bao gồm đạo diễn Brad Peyton, nhà biên kịch Carlton Cuse là những người tiên phong khai phá mảnh đất mang tên San Andreas.
Đi từ hấp dẫn này sang hấp dẫn khác
Ngay từ phần mở đầu phim, Khe nứt San Andreas khiến người xem "thót tim" với cảnh quay một chiếc ô tô rơi xuống vực và mắc kẹt lại ở lừng chừng. Sau đó, biệt đội giải cứu bằng trực thăng của nhân vật chính Ray đến và phải qua một loạt các sự cố nguy hiểm mới hoàn thành nhiệm vụ. Cảnh quay quan trọng này một phần là để "khai vị" cho khán giả trước khi bước vào những thảm họa thực sự, phần khác để giới thiệu cho người xem hiểu hơn về câu chuyện, con người và thân thế của Ray.
Những thông điệp ý nghĩa về mối quan hệ giữa người với người cũng như cái cách mà con người đối xử với nhau mới là phần đáng để suy ngẫm. Giữa muôn trùng hiểm nguy, giữa đống đổ nát hoang tàn chính là lúc tình người được thể hiện chân thật nhất.
Tiến sỹ Kim Park có thể hy sinh cả thân mình để cứu mạng một đứa trẻ xa lạ, Ray vốn dĩ có thể bảo toàn tính mạng nhưng lại mạo hiểm quay lại cứu vợ và lao đầu vào tâm điểm của thảm họa để tìm kiếm con gái, anh em Ben và Ollie dù chỉ mới gặp Blake trong giây lát cũng chả ngại hiểm nguy để cứu giúp cô trong khi người cha dượng tương lai Daniel Riddick lại hèn nhát trốn chạy.
Có thể nói đạo diễn Brad Peyton đã thành công trong việc khắc họa rõ nét thảm họa San Andreas, cùng với đó là sự tỏa sáng của ngọn lửa chân tình giữa đống đổ nát, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ấm lòng người xem vốn dĩ đã quá căng thẳng, lo lắng dõi theo những trận động đất, sóng thần tàn bạo.
Dàn diễn viên tiềm năng
Khi sức nóng của Fast & Furious 7 còn chưa kịp nguội tại các rạp chiếu, ngôi sao cơ bắp Dwayne Johnson tiếp tục tái ngộ khán giả với vai diễn được đo ni đóng giầy lần này. Vào vai một người cứu hộ chính trực, dũng cảm, một người đàn ông thất bại trong hôn nhân và một người cha hết mực yêu thương con gái, Dwayne Johnson dễ mang lại cảm giác vững chãi, tin tưởng như tính cách nhân vật anh thể hiện nhờ thân hình vạm vỡ, nụ cười hiền từ và những pha hành động dứt khoát.
Một tiềm năng mới của Hollywood – Alexandra Daddario - cũng đã có màn thể hiện đẹp mắt về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong phim. Từ thân hình nóng bỏng, khỏe khoắn cho tới diễn xuất tự tin, Alexandra Daddario được đánh giá như “một lựa chọn hoàn hảo” cho vai diễn cô con gái dũng cảm của Ray, dám đương đầu với từng cơn thịnh nộ của thiên nhiên để giành lại sự sống.
Ngoài ra, một số nhân vật khác như người mẹ và cuộc “tẩu thoát” trên mái nhà hay hai anh em Ben “vào sinh ra tử” cùng Blake (Alexandra Daddario) cũng là những dấu ấn đáng nhớ của bộ phim. Đạo diễn đã mang đến một “chiếc bánh” với các miếng bánh tương đối đều nhau về vai trò của từng diễn viên trong câu chuyện.
Kỹ xảo hình ảnh và hiệu ứng âm thanh ấn tượng
Nhắc đến phim thảm họa, kỹ xảo là phần không thể thiếu góp phần tạo nên thành công của phim. Điều đáng khen trước hết ở Khe nứt San Andreeas chính là tính chân thực.
Sự tàn phá trong phim diễn ra ở quy mô cực kỳ lớn, không chỉ đơn giản là rung lắc hay sập vài tòa nhà mà dữ dội đến nỗi giống như một trận tận thế thực sự. Hàng trăm tòa nhà đổ nát, cháy vụn, những con đập lớn, cầu Cổng Vàng, những quả đồi tan hoang. Toàn bộ bờ Tây của nước Mỹ bị cày nát bởi những cơn địa chấn.
Cả ê-kíp kỹ xảo của Khe nứt San Andreas vẫn thể hiện rất tốt, hoàn toàn không có cảm giác giả tạo hay gồng gượng, mọi thứ tự nhiên như một bộ phim tài liệu được trau chuốt cẩn thận. Đặc biệt, vì được thực hiện dưới định dạng 3D nên cảm giác khi xem phim của khán giả ở định dạng này còn mạnh mẽ gấp bội.
Hầu hết trong tất cả các cảnh của phim đều có đến 4, 5 lớp hình chứ không đơn giản là một mặt phẳng như các bộ phim 2D thông thường. Trường đoạn động đất tại đập Hoover hay cảnh Ray lái du thuyền chạy đua trước mũi sóng thần thực sự gây nghẹt thở
Nhóm sản xuất đã thực hiện những cảnh quay ngoại cảnh tại Los Angeles, San Francisco (Mỹ) và quanh khu vực Gold Coast nằm ở miền Đông Nam Queensland, Australia. Hầu hết cảnh trong phim được thực hiện trong phim trường, trong đó có cả bể nước rộng tới hơn 1.200m2. Đây là bể nước có kích thước lớn nhất từng được xây dựng để phục vụ cho một bộ phim.
Đạo diễn Brad Peyton mong muốn đem đến cho khán giả những hình ảnh chân thực và sống động hết mức có thể, vì vậy ông cố gắng kết hợp các yếu tố dựng cảnh, quay ngoài địa điểm thật, rồi trộn lại bằng kỹ xảo và các hiệu ứng hình ảnh. Brad Peyton cho biết: "Hầu hết cảnh quay khi dàn dựng đều có rất nhiều việc phải làm, dù là một vết rạn nhỏ trên bức tường hay một làn khói rơi xuống làm tăng độ căng thẳng".
Nhà sản xuất của phim, Beau Flynn, nói: "Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào 3D. Nó cho phép chúng ta lập được những bước tiến mới, và với Khe nứt San Andreas, chúng tôi thực sự muốn biến nó thành bộ phim đầu tiên về thảm họa được dựng bằng công nghệ này".
Để tạo ra những âm thanh có cảm giác chói tai, đoàn làm phim đã phải dành tới hai ngày để đập vỡ một chiếc đàn piano cổ bằng búa tạ và kìm cắt dây điện rồi thu trực tiếp tiếng động phát ra. Để miêu tả những rung chấn dữ dội khi trận động đất đổ ập xuống Los Angeles, các nhà sản xuất đã phải đặt những chậu cây và những bồn nước trên một đường ray. Kết quả là người xem sẽ cảm thấy như mặt đất đang rung chuyển dưới chân và những tòa nhà nguyên khối vỡ vụn ngay bên tai trong chớp mắt.
Một bức tranh ngoạn mục về ngày tận thế nhưng lại được khép lại bằng ca khúc nổi tiếng California Dreamin’ với bản phối mới của nữ ca sĩ Sia, San Andreas sẽ khiến khán giả không thể không mỉm cười vào những giây cuối cùng.
Sau khi mô tả trọn vẹn nỗi sợ hãi muôn thuở của loài người, đạo diễn đặt dấu chấm hết cho bộ phim bằng một viễn cảnh ấm áp, tràn đầy ánh sáng và niềm tin. “Đó là một câu chuyện mà tôi rất muốn được kể lại cho mọi người: có nội dung và giàu cảm xúc, và còn có tính giải trí cao”, nhà sản xuất Beau Flynn chia sẻ.
Hội đủ những yếu tố quan trọng làm nên một tác phẩm chất lượng như nội dung chỉn chu, thông điệp gửi gắm ý nghĩa, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh hoành tráng, dàn diễn viên thực lực và có duyên. Rõ ràng, dù bạn có phải là một tín đồ của dòng phim thảm họa hay không thì San Andreas thực sự là một tác phẩm xứng đáng để bạn thưởng thức.
TRAILER