IMDb : 6.5/10
4K UHD BLU-RAY
Hoả ngục: Hành trình tự đi vào địa ngục của con người
Bộ phim "Inferno" là tác phẩn chuyển thể thứ 3 từ series tiểu thuyết trinh thám ăn khách của nhà văn Dan Brown.
Có một sự thật là mọi tác phẩm của Dan Brown được chuyển thể từ trước tới nay đều ăn khách, đơn giản vì bộ tiểu thuyết gốc vốn đã là những bom tấn trên kệ sách. Người đến mua sách của Dan Brown như một cơn bão, đọc ngấu nghiến chúng và chờ đợi đến khi cuốn tiếp theo được ra mắt, tranh thủ đọc lại vài lần các cuốn cũ trong lúc chờ vì có quá nhiều thông tin phức tạp rất dễ quên mất.
Inferno ra đời là tác phẩm điện ảnh thứ 3 được chuyển thể từ series trinh thám của Dan Brown với nội dung xoay quanh hành trình của Robert Langdon – ông giáo sư trên thông thiên văn dưới tường địa lý vốn định an phận trong khuôn viên đại học Harvard xinh đẹp nhưng suốt ngày bị lôi đi khắp thế giới để cứu nhân loại. Cùng một cấu tứ như vậy, lần này hành trình của Langdon đưa nhân vật này khám phá các bí mật ẩn giấu trong thành phố Florence cổ kính. Ron Howard, người từng chỉ đạo 2 phần trước trong series chuyển thể là The Da Vinci Code và Angels & Demons tiếp tục ngồi trên ghế đạo diễn của Inferno.
Cốt truyện bất ngờ và dàn diễn viên kinh nghiệm
Về mặt nội dung, Inferno ẩn chứa các tình tiết bất ngờ (plot twist) khiến khán giả phải ố á vào nhiều thời điểm. Giáo sư Langdon tỉnh dậy tại một bệnh viện ở Florence với một vết thương ở đầu, trong bộ dạng tơi tả hết sức. Tệ hơn là, như một kẻ tỉnh dậy sau một đêm say bét nhè, ông giáo sư tội nghiệp không hiểu chuyện gì đang xảy ra (tên đệm của mình còn không nhớ nổi). Kịch bản na ná như Hangover, tuy nhiên 3 anh chàng chơi bời kia may mắn hơn là không bị đuổi giết khắp khu du lịch tại Ý như Langdon. Bộ phim thành công trong việc giải thích tại sao một tá cảnh sát và đặc vụ và cả thế giới ngầm quyết tâm lùng sục một ông giáo sư và ai mới là người tốt bị hiểu lầm.
Dàn diễn viên chào đón sự quay trở lại của Tom Hanks trong vai Robert Langdon. Thật khó có thể thay thế Hanks bởi bất kì tài tử nào khác, vì người ta không tưởng tượng được ra ngoài Tom Hanks thì ai có thể khiến khán giả chịu lắng tai nghe nhân vật giảng giải mớ kiến thức rối rắm từ thời Phục Hưng trên màn ảnh. Vai nữ chính Sienna Brooks – hay còn được gọi là vai Nữ chính trẻ đẹp chạy theo Langdon – vì tập phim nào trong series cũng có kiểu vai này – được trao cho người đẹp Felicity Jones. Nữ diễn viên hoàn thành tương đối tròn vai, với vẻ mảnh mai nhưng trí tuệ và kiên quyết của mình. Cùng nhau họ vượt qua sự lùng sục của Tổ chức Y Tế Thế giới ( ăn mặc và càn quét như Tổ chức Đặc vụ thế giới vậy), sự săn đuổi của một nữ cảnh sát tận tâm với nghề sát thủ, và một vài nhân vật mặc com-lê khác.
Vai phản diện Betrand Zobrist được giao cho Ben Foster, hình mẫu chán đời của các tỉ phú trẻ lắm tiền nhiều của. Inferno được xây dựng với Zobrist như trung tâm của một thứ tôn giáo xây dựng nên từ học thức và sự chán ghét với bùng nổ dân số - chứ không phải từ niềm tin. Zobrist là hình mẫu của những thái cực khắc nghiệt nhất mà con người từng nghĩ tới để thoát khỏi tình trạng bế tắc do bùng nổ dân số và các hệ lụy gây ra: Nghĩ ra một thứ thuốc tiêu diệt một nửa nhân loại. Tương tự như một kẻ truyền giáo cực đoan thành công, Zobrist có những môn đồ trung thành – những kẻ mang niềm tin về sự hồi sinh từ địa ngục.
Ngoài ra, Inferno còn chào đón những gương mặt tài năng như Babett Knudsen (Borgen), Omar Sy (The Intouchables) và Irrfan Khan (một trong những diễn viên tuyệt vời nhất thế giới). Cùng nhau, diễn xuất của họ đã liên kết mạch phim và giúp khán giả quên đi một số lỗ hổng trong kịch bản.
Tri thức bất tận và một châu Âu đẹp ngỡ ngàng trong Inferno
Như mọi tác phẩm chuyển thể của Dan Brown, Inferno chứa đựng lượng kiến thức khổng lồ về lịch sử, văn học, kiến trúc, nghệ thuật địa lý… Những ai từng mê mẩn thuyết âm mưu trong The Da Vinci Code hẳn sẽ phải trầm trồ khi một lần nữa, Dan Brown và Ron Howard đã biến các chất liệu cổ xưa thành một cuộc săn đuổi bằng trí tuệ và thể chất. Inferno giống như Cuộc đua kỳ thú phiên bản kinh dị cho các giáo sư vậy. Thật khó để cô đọng nội dung và lượng tri thức của một cuốn tiểu thuyết trong 2 tiếng đồng hồ trên màn ảnh, tuy nhiên ở chừng mực nào đó xét cho một phim hạng B, đã là một thành công.
Inferno bắt lấy những góc quay đẹp nhất tại Italia, Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tới Budapest. Từ cảnh mở đầu phim là tháp chuông Badia Fiorentina đứng sừng sững trong cái nắng của Casa di Dante, những dãy hành lang trong Vasari Corridor tới khu vườn tuyệt đẹp The Grand Boboli, một Venice nhộn nhịp… châu Âu hiện lên như một áng thơ cổ trữ tình sau cái vẻ ồn ào đầy xô bồ của du khách thập phương. Trên nền nhạc của Hans Zimmer, Inferno đồng thời cũng vẽ lên một bức tranh đáng sợ về địa ngục dưới con mắt của Dante hòa lẫn với ảo giác và ký ức của Dan Brown. Dữ dội và trữ tình, cổ kính và hiện đại, không ngoa khi nói Inferno là thước phim cho những kẻ hoài cổ đã "phải lòng" châu Âu.
Từ lâu có một câu truyền miệng trong giới làm phim, rằng họ ghét việc "bỏ lại tiền trên bàn" (leaving money on the table). Một khi gặp được series nào còn khả năng làm lãi, các nhà làm phim vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc phương án làm tiếp các phần sau. Thật khó để Inferno có được thành công phòng vé như điều mà The Da Vinci Code từng đạt được, tuy nhiên đây vẫn là một tác phẩm tạm khiến người xem hài lòng.
Với những độc giả của tiểu thuyết gốc, Inferno có thể là một bức tranh chưa hoàn chỉnh, nhưng những ai chưa từng đọc Inferno, không khó để họ thưởng thức hành trình giải mã địa ngục của Dante trên màn ảnh rộng.