IMDB 7.1/10
The Platform - Hố sâu đói khát: Hiểm họa và sự ích kỷ
Khi đói, dễ gì người ta chìa phần ăn của mình cho kẻ khác. Cái giả định kia như miếng thịt đã ninh thành chân lý muôn thuở. Nhưng với The Platform, đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia chợt tìm ra những mẩu xương dăm trong miếng thịt đã nhừ.
Người xem The Platform (Hố sâu đói khát) dễ rơi vào bàn tay thô bạo của đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia.
Nhà làm phim Tây Ban Nha dám đưa công chúng vào thẳng không gian ngục tù được xây dựng theo chiều đứng, chỉ có một bàn ăn di chuyển lên xuống 333 tầng, người trên ăn hết kẻ dưới chịu nhịn.
Và cũng chỉ Galder mới thong dong chơi trò "chẳng A thì B" cùng khán giả. Luôn có hai đối cực quyết liệt, ăn hoặc chết đói, giết người hoặc bị giết, lên hoặc xuống... Càng ít lựa chọn càng ít hi vọng và dày đặc sự ngột ngạt.
Thử thách nhân tính
Giữa một hệ thống khép kín như thế lại lọt vào nhân vật Goreng cũng bí ẩn không kém. Goreng xin vào tù để có thời gian đọc hết cuốn sách Donquixote.
Cái lý do rởm đời đã dẫn anh đến những trải nghiệm đau đớn trong nhà ngục quái gở The Platform, thay vì ngồi ung dung đọc sách như trót mường tượng. Mỗi tháng, tù nhân bị dịch chuyển ngẫu nhiên đến một tầng khác, bạn cùng phòng hôm nay có thể là thức ăn ngày mai nếu chẳng may rơi xuống những tầng dưới cùng.
Đến một gã mộng mơ như Goreng, rồ dại khoác áo hiệp sĩ Donquixote xứ Mancha cũng phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt khi bị bạn tù cột vào thành giường, lăm le dao vào cổ.
Goreng của diễn viên Ivan Massagué có tạo hình tựa Chúa Jesus đã trải qua một hành trình thương khó để thử thách niềm tin và khơi ra chút nhân tính còn sót lại giữa cõi đọa đày.
Màu sắc tôn giáo trong phim nằm ở sự chuyển giao giữa thiên đàng và địa ngục mà chặng giữa là những chiếc bụng đói, không từ chuyện gì để lấp cái dạ dày rỗng.
Đã có hai tuyến biểu tượng, Donquixote và Chúa Jesus, đạo diễn Galder còn khởi ra tuyến thứ ba với những ẩn dụ triết học đạo đức. Sự chuyển đổi nhận thức và quyết tâm thay đổi hệ thống nhà tù tàn bạo của Goreng chạm đến nhiều khía cạnh tái phân phối xã hội trong học thuyết công lý của John Rawls.
Goreng muốn phân chia lại thức ăn cho từng tầng để người dưới cùng vẫn có thể sống sót, thuyết phục bằng lời lẫn dùng bạo lực. Goreng dấn vào những câu hỏi vô cùng: Ai là người có quyền áp đặt sự sống - cái chết cho người khác, khi ta là kẻ đứng trên cao vọng xuống?
Tình đoàn kết là tự phát hay kết quả của vũ lực? Điều gì đảm bảo mỗi người sẽ nhận phần ăn bằng nhau?
Lòng nhân của dạ dày rỗng
Bộ phim là một giả định rằng nếu chúng ta được phân vào cuộc đời này ngẫu nhiên, không ai biết mình sẽ ở nơi nhung lụa, thức ăn thừa mứa hay sẽ ra đời trong một xó xỉnh đói khổ.
Trước trạng huống đó, con người sẽ phải đặt hệ thống công lý ra sao để mỗi người đều có cơ hội làm chủ cuộc sống, những quyền sẽ được ưu tiên và nguồn lực xã hội nên được phân chia thế nào.
Một hệ thống phân phối dựa vào quyền lực áp đặt từ bên trên đòi hỏi sự tin tưởng. Còn với đạo diễn Galder, buộc ai đó có niềm tin khi họ sắp chết đói là điều xa xỉ nhất mà những kẻ bên trên mới có thể nghĩ ra.
Chỉ riêng về kỹ thuật xây dựng cốt truyện, Galder đã tự đặt mình vào thế khó, ông chặn hết đường lui của mình, xử ra nhiều chiều tiếp cận trong thế giới hai chiều lên - xuống rồi lại cắt đứt chúng. Thế nhưng, cách làm phim bạo liệt của người Tây Ban Nha bỗng cứu giúp cho vị đạo diễn.
Ông ép nhân vật chính của mình xuống tận cùng chiếc hố, bỏ rơi Goreng lại đó, trong khi chiếc bàn ăn lao lên vun vút mang theo niềm hi vọng mới cho những người tù. Trong căn phòng 333 phủ bóng tối, gã tìm được một cô bé ngây thơ, chưa bao giờ phải tranh giành thức ăn và chẳng động đến miếng thịt đồng loại.
Đứa bé là hiện thân của sự thánh thiện, tránh xa những điều vẩn đục mà con người vì sự ích kỷ đã chuốc lấy. Nằm trên chiếc bàn hoang tàn, cô bé vươn lên tầng số 0 để truyền đi thông điệp rằng sự sống và niềm hi vọng vẫn nảy mầm ở những nơi ngỡ chỉ có cái chết.
Dẫu The Platform có bí bách và giam hãm khán giả bằng gam màu lạnh, người xem vẫn nên nấn ná lại suy tư đến trạm cuối cùng, như Goreng, có đi thật sâu mới biết có nơi thật sáng.
Chiếc bàn ăn trong phim dừng lại mỗi tầng 2 phút, khoảng thời gian ít ỏi chỉ để người tù ngấu nghiến những thứ gì còn lại trên bàn thay vì đắn đo nên để lại bao nhiêu cho kẻ bên dưới.
Cuộc sống vẫn thường bức con người ra những quyết định vội vã. Khi dịch bệnh xảy ra cũng vậy, người vơ vét được nhiều thực phẩm nhất nghĩ mình sẽ ở lại đến cuối.
Thế nhưng, lúc cái gọi là "cuối cùng" ấy xảy đến, chúng ta có đủ can đảm để đối mặt với đứa bé bên trong, nhìn chúng ta với đôi mắt ngây thơ, hỏi rằng liệu mọi người đều bình đẳng và có quyền sống như nhau không?
Goreng đã chọn ở lại để đứa bé được đi tiếp, có những người nằm xuống trong dịch bệnh để sự sống vẫn tiếp diễn - một sự sống không chỉ là thức ăn, chiếc bụng đói mà còn có lòng nhân từ.
Khen và chê hết mực
Phim như The Platform thường ít nhận được đánh giá trung dung, người khen hết mực và kẻ chê cũng rất thậm tệ. Trước The Platform có Cube, Circle...: quăng một nhóm người vào không gian kín và thử thách đạo đức của họ bằng cái chết.
Cũng bởi vì tập trung thảo luận về phải trái đúng sai và đã tách khỏi không gian thực, những bộ phim này ít khi xây dựng tâm lý nhân vật chặt chẽ, đôi khi khiến người xem chưng hửng vì tính cách nhân vật xoay trở chóng mặt sau vài tình huống.
Đạo diễn Galder đã chứng minh The Platform có đủ thời gian nhởn nhơ để nói về đạo đức - thứ dễ bị bỏ qua bởi những tình tiết dồn dập trong một xã hội cũng vội vã nốt. Bộ phim có thể khiến người xem không ngớt tranh luận về công lý bằng cách trưng ra Donquixote, tôn giáo lẫn học thuyết của John Rawls.
Nhưng những góc nhìn ấy không được diễn giải một cách trọn vẹn. Phim chỉ gợi ra những gì tàn khốc nhất chúng ta có thể phải đối mặt, còn nghĩ về chúng lại là chuyện của người xem sau khi màn hình đã tắt.
TRAILER