IMDB 7.3/10
'The Killer' của đạo diễn bậc thầy David Fincher
David Fincher là vị đạo diễn rất thành công và được tôn trọng ở Hollywood, nhưng ông chưa bao giờ cố tỏ ra là mình sâu sắc. Ông là một bề mặt rộng lớn, và sau đó, không có chiều sâu cho người xem dò dẫm, mà vẫn tiếp tục là những bề mặt.
Nắm bắt cái "đời nhẹ khôn kham" luôn là điều rất khó, và dễ gây tranh cãi, nhưng Fincher một lần nữa kiên định với nghệ thuật của mình trong phim mới The Killer (Sát thủ phản đòn).
Con sói cô độc
The Killer là bộ phim giật gân tâm lý tội phạm do David Fincher đạo diễn còn Andrew Kevin Walker viết kịch bản. Phim dựa trên tiểu thuyết đồ họa cùng tên của tác giả Alexis "Matz" Nolent với sự minh họa của Luc Jacamon. Vai chính, tên sát thủ, thuộc về Michael Fassbenger, bên cạnh nhiều ngôi sao khác là Arliss Howard, Charles Parnell, Kerry O'Malley, Sala Baker, Sophie Charlotte và Tilda Swinton.
Thông tin về The Killer manh nha từ tận năm 2007 khi có tin David Fincher sẽ đạo diễn phim chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả người Pháp, với Allesandro Camon viết kịch bản, Plan B của Brad Pitt sản xuất còn Paramount phân phối. Tới năm 2021, Fincher ký thỏa thuận với Netflix, xác nhận Walker viết kịch bản còn Fassbenger đóng vai chính. Quá trình quay phim bắt đầu từ tháng 11/2021 tại Paris và kết thúc vào cuối tháng 3/2022 tại Illinois.
Phim kể về một sát thủ nổi tiếng chẳng may làm hỏng việc, dẫn tới bị truy lùng khắp thế giới. Hắn phải cố dọn dẹp mớ hỗn độn trước khi chính mình bị tiêu diệt. Nghe rất giống kiểu phim hành động mà những tên máu lạnh dần thức tỉnh sau khi nhận ra mình đã làm gì với những cảnh hành động mãn nhãn bù lấp cho nội dung. Nhưng như thế thì không phải Fincher, lại hơi "phí" cho Michael Fassbender.
Đã hàng chục năm trôi qua kể từ Shame, trong đó Fassbender đóng vai kẻ bệnh hoạn tên là Brandon.
Tới nay, có lẽ vẫn còn người thắc mắc: Brandon sẽ làm gì một khi tinh thần kiệt quệ? Đi bán bất động sản, có lẽ? Cưới vợ, nuôi 3 con, và làm một cuộc chơi ngắn vào cuối tuần? Một khả năng khác được gợi ý trong The Killer, trong đó Fassbender - vẫn gầy gò với cái nhìn không khoan nhượng cùng vẻ ma quái không đổi theo thời gian - đóng vai sát thủ chuyên nghiệp. Dường như phảng phất đâu đây hình ảnh Brandon. Từ việc đón người lạ trên tàu điện ngầm tới hạ họ bằng súng giảm thanh, qua cửa sổ khách sạn, chỉ là một bước nhảy.
Fassbender là một trong những diễn viên dường như đơn độc ngay cả khi họ ở giữa đám đông. Sự cứng rắn, trống rỗng, robot, và vô danh này được thể hiện rất đạt ở nhân vật trong The Killer, dàn trải trong suốt nửa giờ đầu phim. Hắn chờ trong những căn phòng trống ở tầng cao nhất của 1 tòa chung cư ở Paris, tập yoga trong lúc tỉ mỉ chuẩn bị bắn ai đó. Hắn có 1 khẩu súng, 1 kính thiên văn và 1 đồng hồ đo nhịp tim. (Không nên bóp cò cho tới khi nhịp tim giảm xuống dưới 60). Quyết tâm không để lại dấu vết, hắn luôn đeo găng tay và ngủ gật trên bàn như thể đó là bàn mổ. Và, trong thuyết minh, hắn nói chuyện với khán giả, những câu chuyện dửng dưng tới lạnh lẽo.
Trúng hay trượt?
Vụ tấn công ở Paris diễn ra không như y muốn khiến tên sát thủ phải lao vào một chuỗi vụ việc khác nhằm bảo vệ bạn gái và chính bản thân. Một diễn tiến khá bật ngờ, vì ban đầu hắn tỏ ra mình là người vô cảm, miễn nhiễm với mọi tình cảm và niềm tin. Nhưng như trong cuộc sống, sự tuyệt đối là thứ có phần giả tạo.
Sự việc đưa hắn tới New Orleans ("Một ngàn nhà hàng, duy nhất một thực đơn"), Florida, Chicago và Cộng hòa Dominica. Hắn liên tục thay đổi danh tính qua các nơi, có thể nhìn thoáng thấy những cái tên mới như Felix Unger, Lou Grant, Sam Malone,… Những cái tên này, trong nhiều bộ phim, có thể coi là đầu mối cho cảnh sát. Nhưng ở đây không có cảnh sát nào. Không giống như tay súng được thuê trong The Day of the Jackal (1973), không có ai đấu trí với nhân vật chính ở đây. Thay vào đó, tất cả trí thông minh được tập trung vào những chi tiết vụn vặt: gọi một cú duy nhất rồi giẫm nát điện thoại, hay mua một thùng rác để có thể nhét xác vào thuận tiện…
Từ sau Le Samourai (1967) của Jean-Pierre Melville, với ngôi sao là Alain Delon, vô số nam chính lạnh lùng và các đạo diễn đã thử sức với thể loại sát thủ câm lặng. John Woo làm phim tương tự, cũng có tên The Killer, vào năm 1989, lấy cảm hứng từ Le Samourai, với Châu Nhuận Phát là tay súng. Và rồi là Hitchcock với góc nhìn là kẻ ngoại cuộc, không phán xét trước hành động của sát thủ.
Nhưng dù chung một gốc, Fincher đã rẽ sang nhiều nhánh nhỏ khác. Trong khi Delon đậm chất xã hội đen những năm 1940 với áo khoác dài và mũ phớt thì Fassbender giống như gã ngốc. Hắn đội mũ xô ngớ ngẩn, ngồi sau tay lái của chiếc xe thuê nhỏ gọn, đặt bí danh theo tên các nhân vật trong sitcom kinh điển, không giống kẻ giết người mà như ông bố ngoại ô buồn chán. Công nghệ cũng tạo ra sự khác biệt: Gã của Fincher mua đồ trên Amazon để sao chép chìa khóa điện tử còn tiền bối người Pháp thì kiên nhẫn lục lọi trong bộ chìa khóa chiếc có vẻ phù hợp.
Bất chấp nội dung hài đen và bạo lực, The Killer được tính toán và dàn dựng một cách kỳ cục, khiến người xem ngỡ ngàng hơn là bị thuyết phục. Điều này đặc biệt đúng khi, ở cuối phim, 2 sát thủ gặp nhau tại một nhà hàng sang trọng. Người kia, không ai khác, do Tilda Swinton đóng, và cảnh này, đáng lẽ phải kịch tính, lại có nhịp độ và dàn dựng trang nhã vô cùng, như một lát nghệ thuật trình diễn hơn là liên kết với cốt truyện…
Như vậy, dù thừa khả năng, Fincher đã từ chối cách làm phim kịch tính, chủ ý tạo ra bộ phim thiếu vắng hành động, dụ ý, thậm chí là thiếu logic khi sát thủ hành động quá… thô sơ. Nhìn chung, ranh giới giữa tẻ nhạt và "vô vi" (không làm gì mà không gì là không làm) là rất mong manh ở đây, không khỏi gây tranh cãi trong khán giả. Có thể nói, là một phát trúng về nghệ thuật nhưng trượt về thị hiếu chung.
TRAILER