IMDB 7.1/10
Giải mã hiện tượng Barbie gây sốt cộng đồng mạng: Khơi gợi cảm giác hoài niệm, dùng UGC lan toả chiến dịch đến mọi ngóc ngách mạng xã hội
Kể từ khi dự án phim Barbie phiên bản live-action (phim do người thật đóng) được công bố, người hâm mộ đã háo hức đón chờ bộ phim tuổi thơ xuất hiện dưới một hình thức khác. Theo thống kê, gần 40 bộ phim về Barbie đã được công chiếu với nhiều tựa đề như “A Fashion Fairytale”, “Swan Lake”, “The Diamond Castle”,... trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, đây là bộ phim duy nhất do người thật đóng, còn lại đều là phim hoạt hình.
Với sự tham gia của đạo diễn Greta Gerwig - người phụ nữ thứ 5 trong lịch sử được đề cử trong hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Oscar, nữ chính Margot Robbie - người từng được đề cử hai giải Oscar, 4 giải Quả cầu vàng và 5 giải Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA),... bộ phim đã làm dậy sóng mạng xã hội trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ sản xuất và diễn viên thực lực, đâu là những yếu tố khiến bộ phim bùng nổ?
Barbie là một thương hiệu trường tồn với thời gian
Búp bê Barbie là một sản phẩm của công ty sản xuất đồ chơi Mỹ Mattel. Lần đầu ra mắt tại Hội chợ Đồ chơi Mỹ ở thành phố New York vào tháng 3/1959 với phiên bản da trắng, tóc vàng, mắt xanh, sản phẩm này đã thu hút sự chú ý của các em nhỏ, đặc biệt là các bé gái.
Theo nhà thiết kế Barbie Carlyle Nuera, hình thể của Barbie đã phóng đại để tương xứng với quan điểm thẩm mỹ của những người bảo vệ quyền phụ nữ vào năm 1959. Thế nhưng nhiều người đã cho rằng hình tượng như vậy là phi hiện thực. Nhằm đáp ứng yêu cầu của tất cả khách hàng, công ty Mattel đã liên tục đưa ra những thay đổi về kiểu tóc, màu da, số đo 3 vòng hay thậm chí là nghề nghiệp của Barbie. 4 năm sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng, Barbie đã ra mắt phiên bản nhà du hành vũ trụ. Đến năm 1968, búp bê Barbie da màu đầu tiên ra mắt em nhỏ với tên gọi Christie. Ngày nay, các sản phẩm búp bê Barbie không gói gọn trong hình ảnh những cô công chúa tóc vàng xinh xắn mà đã mở rộng sang nhiều đối tượng khác nhau để tôn vinh sự đa dạng. Bên cạnh đó, 55% số búp bê Barbie được bán trên thế giới không còn là phiên bản mắt xanh hay tóc vàng.
Vào tháng 5/2021, tập đoàn Mattel đã thực hiện chiến dịch toàn cầu nêu bật những lợi ích về mặt cảm xúc và xã hội mà búp bê Barbie mang đến cho các em nhỏ. Trong đoạn phim quảng bá chiến dịch, các bé trai và bé gái đã cùng chơi đùa với búp bê Barbie: cùng đọc sách, cùng ăn cơm, cùng tắm rửa,... Có thể thấy, Barbie đã trở thành người bạn đồng hành suốt thời thơ ấu của các em nhỏ. Bên cạnh đó, một nghiên cứu do Đại học Cardiff thực hiện đã chứng minh búp bê Barbie có thể giúp trẻ em phát triển các kỹ năng xử lý thông tin và phát triển sự đồng cảm.
Có thể thấy, búp bê Barbie đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dùng. Đó cũng chính là lý do vì sao trailer đầu tiên của bộ phim đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng trên mạng xã hội kể từ khi được ra mắt. Theo công ty CARMA, các cuộc thảo luận về Barbieland đã tăng vọt vào tuần từ 3 đến 7/4. Những bình luận tích cực chiếm 31,6%, trong khi đó tiêu cực chỉ chiếm 4,3%. Bà Kimberley Olsen - nhà đồng sáng lập Yatta Workshop chia sẻ với Marketing-Interactive rằng: “Cho dù bạn đã sở hữu một búp bê Barbie, tặng nó cho bạn bè hay chứng kiến em gái của mình mê mẩn chúng khi còn nhỏ, mọi người đều có ký ức về Barbie. Nếu bạn hỏi tôi vì sao bộ phim Barbie trở nên nổi tiếng, tôi sẽ nói đó là nhờ cái tên Barbie.”
Ứng dụng A.I trong trình tạo poster nhằm thúc đẩy thảo luận
Vừa qua, Warner Bros. đã đăng tải một loạt 24 poster nhằm giới thiệu hình ảnh và vai diễn của các nhân vật trong bộ phim, đơn cử như Kate McKinnon là Barbie vận động viên thể dục dụng cụ, Alexandra Shipp là nhà văn, Ritu Arya làm nhà báo,... Các poster đã nhanh chóng nhận được sự yêu thích của người hâm mộ bởi chúng gợi liên tưởng đến những poster của phim hoạt hình Barbie trong quá khứ.
Từ đó, công ty cũng ra mắt trang web https://www.barbieselfie.ai/intl/ có tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo để người dùng tự do thiết kế poster Barbie dành riêng cho bản thân. Đầu tiên, người dùng cần tải lên một bức chân dung. Sau khi trang web hoàn tất phần cập nhật hình ảnh, người dùng sẽ tiếp tục thiết kế những yếu tố như màu sắc của vòng tròn, dòng giới thiệu nhân vật,... Trang web này đã tạo nên một làn sóng trên mạng xã hội khi hàng loạt người dùng sử dụng hình ảnh các idol như Jisoo và Jennie (BlackPink), Somi, Irene (Red Velvet), Kai (EXO), Wonyoung (IVE),... để thiết kế poster.
Có thể thấy, nhà sản xuất bộ phim đã ứng dụng Meme Marketing hay Memejacking (tiếp thị Meme) - một nhánh nhỏ của tiếp thị lan truyền (Viral Marketing) để quảng bá. Hình thức này sử dụng meme hay Internet meme để truyền tải thông điệp tiếp thị. Thay vì mục đích mua vui đơn thuần, meme ngày nay đã được thương mại hoá bởi nhiều thương hiệu. Trong trường hợp này, người dùng có thể tự do sáng tạo hình ảnh trong poster và đặt ra những câu nói thú vị, dí dỏm để miêu tả chính họ. Đặc biệt hơn, người dùng hoàn toàn có thể quyết định những yếu tố như màu sắc, hình ảnh, thông điệp,... Qua đó, công ty đã trao quyền cho họ tự do sáng tạo, từ đó tạo nên niềm vui khi chia sẻ poster của bản thân hoặc thần tượng lên mạng xã hội.
Bốn poster của các thành viên BlackPink do fan thực hiện
Ông Rudy La Faber - Giám đốc Sáng tạo tại Mediabrands Content Studio (MBCS) nói rằng về mặt lan truyền, đây là định dạng meme cổ điển thúc đẩy sự chú ý của người dùng. “Dù poster chỉ có một hình ảnh đơn giản và một dòng văn bản, chúng vẫn đủ sức hấp dẫn với người dùng bởi nó rất dễ thực hiện. Chẳng ai quan tâm liệu những poster này có thực sự hoàn hảo về mặt thiết kế hay không. Việc tạo điều kiện cho người dùng tham gia vào một thứ gì đó đơn giản càng có khả năng thúc đẩy họ thử nghiệm”, ông nói.
Hơn nữa, ông Jude Foo - Tổng Giám đốc và Đối tác tại Nine:Twenty Eight cũng bày tỏ, các poster này có thể được lan truyền nhanh chóng như thế vì nó trông không “bóng bẩy” lắm. Theo đó, ông cho rằng chúng không thực sự hoàn hảo nhưng lại gợi lên cảm giác gần gũi, khiến mọi người tin rằng nó thực sự được tạo nên bởi người dùng.
Khi A.I đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của Internet, việc sử dụng công nghệ vào quá trình quảng bá phim là một nước đi đầy sáng tạo và khéo léo của đội ngũ quảng bá Barbie Live-Action. Với trình tạo ảnh này, bộ phim Barbie đang được “quảng cáo miễn phí” bởi sự sáng tạo của người dùng khắp thế giới.
Lan toả bộ phim nhờ sử dụng hình ảnh người nổi tiếng và các thương hiệu lớn
Khi cơn sốt poster Barbie lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người nổi tiếng ở đa dạng lĩnh vực đã tham gia sáng tạo poster của riêng mình. Đơn cử như tài khoản Twitter chính thức của ban nhạc Jonas Brothers đã chia sẻ ba poster của Nick, Kevin và John Jonas. Qua đó, họ đã khéo léo quảng cáo album sắp ra mắt vào ngày 12/05 trên poster. Có thể thấy, Jonas Brothers vừa hưởng ứng theo trào lưu mới, vừa quảng bá cho sản phẩm mới của mình.
Bên cạnh đó, nhiều idol Kpop cũng chia sẻ về xu hướng này trên mạng xã hội. Tài khoản Twitter “Somi Hourly” đã sử dụng trình tạo ảnh Barbie để thiết kế một poster của Jeon Somi và đăng tải trên nền tảng. Sau đó, nữ ca sĩ đã chia sẻ lại hình ảnh này trên Instagram cá nhân và bày tỏ sự hứng thú.
Bên cạnh đó, người dùng còn tạo ra một thức uống Starbucks lấy cảm hứng từ bộ phim Barbie. Món đồ uống được lấy cảm hứng từ món Frappuccino Vanilla Bean Crème của Starbucks có giá 8 USD (khoảng 190.000 VND). Người dùng có thể tạo nên một thức uống bí mật có màu hồng như trên poster của Barbie với công thức: Frappuccino Vanilla Bean Crème với ba lần bơm syrup vani, ba lần syrup mâm xôi và thanh long.
Khơi gợi cảm giác hoài niệm với Nostalgia Marketing
Không chỉ trẻ em, bộ phim Barbie live-action còn gây tiếng vang với người dùng mọi thế hệ bởi phần lớn người dùng đều lớn lên cùng những con búp bê này. Từ đó, bộ phim đã thành công khơi gợi lại sự hoài niệm (Nostalgia) trong người dùng về những trải nghiệm trong quá khứ. Bằng cách sử dụng những hình ảnh, âm thanh và thông điệp quen thuộc với khách hàng, Nostalgia Marketing đóng vai trò như một “cỗ máy thời gian” giúp họ trở về thời thơ ấu, đồng thời tạo nên sự gắn kết giữa bộ phim với người dùng.
Bà Kimberly Olsen - nhà đồng sáng lập Yatta Workshop nói rằng khi bộ phim được công bố, nó đã ngay lập tức đưa mọi người trở về thời thơ ấu. Cảm giác sở hữu một con búp bê là một tác động tích cực trong quá trình trưởng thành đối với một số người. Bằng cách phát hành loạt hình ảnh của các diễn viên với tính cách và đặc điểm khác nhau, sau đó tiếp tục tung ra trình tạo ảnh, đội ngũ Marketing đã góp phần tăng mức độ thảo luận và sự hấp dẫn của bộ phim trong lòng người hâm mộ.
“Thời điểm là chìa khóa thành công của đội ngũ sản xuất. Họ biết rõ khán giả của mình muốn gì. Ai lại không muốn thử biến mình thành búp bê Barbie cơ chứ? Chỉ cần một người tham gia thực hiện poster cá nhân của họ, hiệu ứng lan truyền sẽ xảy ra và tất cả mọi người đều sẽ muốn thử làm một cái cho riêng mình”, bà Olsen nói.
Bà Dorothy Yong - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của IDOTYOU cũng gợi ý rằng nếu đội ngũ sản xuất có thể xem xét tạo ra các bộ lọc (filter) AR trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, họ có khả năng thúc đẩy các nội dung UGC (User-Generated Content - nội dung do người dùng tạo ra) và biến chúng thành nội dung thương hiệu (branded-content). Bà nói thêm: “Nếu họ có thể sử dụng những nội dung do người dùng thực hiện và biến chúng thành một trailer giới thiệu phim, điều này sẽ rất thú vị.”
TRAILER