Trang chủ > Phim Blu-ray > Phim Châu Á (Asian Films)

B1026 - The Last Emperor - HOÀNG ĐẾ CUỐI CÙNG (1987) 2D 25G (DTS-HD 5.1)

Mã phim: B1026
Đạo diễn: Bernardo Bertolucci
Diễn viên: John Lone, Joan Chen, Peter O'Toole, Ruocheng Ying, Victor Wong
Kịch bản:
Size: 25 GB
Ngôn ngữ: English
Phụ đề: English - Vietnamese

 

Bộ phim tiểu sử về cuộc đời của Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, đạo diễn bởi Bernardo Bertolucci và phát hành bởi Columbia Pictures năm 1987. Kịch bản được viết bởi Mark Peploe và Bertolucci, dựa chủ yếu vào cuốn tự truyện của Phổ Nghi. Bộ phim miêu tả toàn bộ cuộc đời Phổ Nghi, từ lúc lên ngôi khi còn rất nhỏ cho tới lúc bị giam giữ và phóng thích bởi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau đó sống những năm cuối đời tại đây.

                                    ------------------------------------------------------------------------------------

 

Giữa thập niên 1980, dù đã bắt đầu chính sách mở cửa, nhưng đất nước Trung Quốc rộng lớn với bề dày văn hóa hàng ngàn năm, vẫn là một bí ẩn đối với thế giới. Có thể nói không ngoa, bộ phim The Last Emperor (Vị hoàng đế cuối cùng) đã góp phần mở cửa Trung Quốc ra thế giới.

 

 

Lần đầu tiên Tử Cấm Thành “mở cửa” cho điện ảnh Tây phương

Đầu những năm 1980, đạo diễn người Ý Bernardo Bertolucci tình cờ đọc được quyển tự thuật Từ hoàng thượng đến thứ dân của Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc. Vị hoàng đế từng cai trị ¼ thế giới khi mới 3 tuổi (1908), cuộc đời trôi nổi như một chiếc phao trên dòng chảy lịch sử, ghì chặt nửa thế kỷ đầy ắp những sự kiện khốc liệt và sóng gió của đất nước Trung Hoa cận đại, rồi cuối cùng chết với tư cách là một thợ làm vườn ở vườn bách thảo (1967).

Nhận thấy cuốn tự thuật này sẽ là một ý tưởng mang tính sử thi đồ sộ, là cơ sở cho một bộ phim điện ảnh hoành tráng và hấp dẫn, Bertolucci đã cùng với Mark Peploe viết kịch bản The Last Emperor. Tháng 3/1984, hai người lần đầu đến thăm Trung Quốc cùng với lời đề nghị làm một trong hai phim: The Last Emperor, hoặc La Condition Humaine (Thân phận con người) - chuyển thể từ tiểu thuyết của André Malraux. Chính phủ Trung Quốc đã chọn The Last Emperor.

Mặc dầu các cuộc thương lượng diễn ra rất lâu và phức tạp, do những bất đồng giữa hai nền văn hóa vốn rất khác nhau, những nhà làm phim phương Tây đã rất ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt, và không vấp phải bất cứ trở ngại nào từ phía chính phủ Trung Quốc. Nhà sản xuất phim độc lập Jeremy Thomas đã tự huy động được một khoản kinh phí khổng lồ là 25 triệu USD. Trung Quốc đưa ra đề nghị China Film Co-Production Corporation sẽ hợp tác không giới hạn đối với bộ phim về bối cảnh, xưởng phim và diễn viên quần chúng…, đổi lại họ sẽ được quyền phân phối nội địa.

Phía Trung Quốc chỉ sửa lại một vài chi tiết không chính xác với sự thật của kịch bản, ngoài ra không còn ý kiến chỉ trích nào khác. Sau hai năm thương lượng để được phép quay phim toàn bộ tại Tử Cấm Thành, The Last Emperor đã trở thành bộ phim phương Tây đầu tiên được phép thực hiện ở Trung Quốc, và được sản xuất với sự hợp tác hoàn toàn của chính phủ kể từ khi lập nước năm 1949.

 

 

Tử Cấm Thành - Phim trường vô giá và vĩ đại nhất thế giới

Đó là lời thán phục của đạo diễn Bertolucci trước di sản thế giới lộng lẫy đồ sộ và hầu như vẫn còn nguyên vẹn này. Tử Cấm Thành có diện tích 720.000 m², được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 15 với những bức tường cao dày gần 8 mét, đã vô tình tạo ra một phim trường tự nhiên được cách âm hoàn hảo.

Do lần đầu tiên có đoàn phim phương Tây với rất đông người nước ngoài được phép ra vào, quay phim ở bất cứ chỗ nào trong Tử Cấm Thành rộng mênh mông, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp an ninh rất chặt chẽ trong suốt quá trình quay. Thậm chí ngay cả diễn viên kỳ cựu Peter O’Toole quên mang theo giấy phép ra vào, cũng bị từ chối cho vào phim trường.

Thời điểm bấm máy buổi lễ đăng quang cực kỳ vĩ đại và hoành tráng của vị hoàng đế 3 tuổi Phổ Nghi trong Tử Cấm Thành, trùng với thời gian Nữ hoàng Anh Elizabeth II đang ở Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm chính thức cấp nhà nước. Chính phủ Trung Quốc đã quyết định dành ưu tiên cho ngày quay quan trọng này, nên bà không thể vào thăm Tử Cấm Thành!

Diễn viên của The Last Emperor đến từ 6 nước: Mỹ, Anh, Ý, Trung Quốc, Hongkong và Nhật Bản để thử vai 60 nhân vật chính. Cuối cùng diễn viên người Mỹ gốc Hoa, Tôn Long được chọn thủ vai Phổ Nghi, diễn viên Trung Quốc Trần Xung vai hoàng hậu Uyển Dung, và ngôi sao gạo cội người Anh Peter O’Toole thủ vai Reginald Johnston – vị gia sư của Phổ Nghi.

 

 

 

Những con số biết nói

Nhà thiết kế trang phục James Acheson phải nhận một nhiệm vụ gần như bất khả thi là sưu tầm hàng ngàn bộ trang phục trên khắp thế giới có liên quan tới thời kỳ này. Sau đó tuyển chọn 9.000 thợ may lành nghề để thực hiện phần trang phục cho bộ phim, từ long bào, trang phục triều đình, quần áo dân dã, đồng phục quân đội Nhật, đồng phục Quốc dân Đảng và những kiểu váy phương Tây hợp mốt của những năm 1920 - 1930. Trong số đó có nhiều cái được mua hoặc có xuất xứ từ những thành phố lớn như London, Hongkong, Tokyo, Rome, Spoleto (Ý), Brighton (Anh).

James Acheson nhận ra rằng, người Trung Quốc rất ngại cởi quần áo khi đến thử trang phục và không bao giờ đi chân đất. Các Lạt Ma Tây Tạng xuất hiện trong phim, không bao giờ để phụ nữ chạm vào người mình. Do đó đoàn phim phải thuê thêm rất nhiều nhân viên nam để giúp họ mặc trang phục.

Phụ trách phần hình ảnh là nhà quay phim lừng danh từng 2 lần đoạt giải Oscar, Vittorio Storaro. Có 100 kỹ thuật viên từ Ý, 20 từ Anh, 150 từ Trung Quốc làm việc trong 6 tháng thu hình. Tổng cộng có đến 19.000 vai phụ, chủ yếu là quân đội Trung Quốc, xuất hiện cùng lúc trong nhiều cảnh quay. 2.000 quân dân Trung Quốc đã phải cạo đầu để đóng vai các quan quân Thanh triều. Cấp trên của họ thuyết phục hãy chịu hy sinh để bày tỏ sự thân thiện đối với người Anh và người Ý. Mỗi người được trả 3,5 USD - khoản thù lao không nhỏ vào lúc ấy.

Nhà tạo mẫu tóc Giancarlo De Leonardis đã nhập 9.988 kg tóc thật, để tạo các bộ tóc giả và đuôi sam cho triều đình nhà Thanh. Để phục vụ cho đại cảnh lễ đăng quang vĩ đại ở đoạn mở đầu phim, đội ngũ làm tóc đã phải mất 10 ngày huấn luyện cho 50 kỹ thuật viên Trung Quốc cách gắn tóc giả và đuôi sam cho 2.000 diễn viên phụ chỉ trong vòng 2 tiếng!

Ở trường đoạn Cách mạng Văn hóa, 1.100 học sinh được mời đến để đóng vai Hồng vệ binh. Đạo diễn Bertolucci đã gặp rất nhiều khó khăn để giúp đám đông có được sự phẫn nộ cần thiết, bởi không ai trong số chúng biết được ngày xưa Cách mạng Văn hóa là như thế nào.

Các nhà làm phim còn vấp phải một vấn đề khó khăn khác là sự ồn ào của các diễn viên, và ê kíp quay người Trung Quốc. Trước giờ họ chỉ quen cách lồng tiếng lúc làm hậu kỳ, chứ không biết phải thu âm trực tiếp lúc quay. Đoàn phim đã phải rất kiên trì và vất vả trong việc giữ yên lặng trên trường quay.

Một trong những tốn kém không nhỏ khác là những chiếc xe cổ được sử dụng trong phim, gồm những nhãn hiệu nổi tiếng như: Delages, Ford kiểu chữ T, Fiat, Lancias, Buick, Hispano Suizas và Mercedes (dạng xe hòm). Thêm vào đó là những chiếc mô tô thùng và 1 xe đạp trẻ em dành cho vị hoàng đế lúc nhỏ, được vận chuyển bằng đường biển đến Trung Quốc.

Nhà thiết kế Ferdinando Scarfiotti đã thiết kế và xây dựng rất nhiều bối cảnh nguy nga như buồng ngủ của thái hậu, cung điện nơi nhà vua sống…, những cảnh bên ngoài Cấm thành: con đường cổ Bắc Kinh, nhà cha ruột của Phổ Nghi, bãi rào nhà tù Fushun… Tất cả đều được xây dựng như thật, rất chắc chắn, để sau khi làm phim xong, nó được chuyển thành khu vực sinh sống cho nhân công đoàn phim.

Toàn bộ quá trình sản xuất được đặt ở xưởng phim Bắc Kinh, nơi có thể cung cấp chỗ ở và sinh hoạt cho 1.200 người ăn, ngủ và làm việc. Thông thường, mỗi năm hãng này sản xuất từ 15 đến 18 phim, nhưng giờ mọi hoạt động khác đều phải tạm dừng lại để tận dụng tất cả mặt bằng cho việc xây dựng bộ phim quy mô này.

Để phục vụ chu đáo cho đội ngũ diễn viên và kỹ thuật viên đa quốc gia, một đầu bếp người Ý đến từ Rome và đi theo ông là 22.000 chai nước khoáng Ý, 204 kg cà phê Ý, 950 lít dầu ôliu, 20 xe rượu nho cùng với hơn 17 tấn mì ống. Tổng cộng mất đến 4 tháng thu hình ở trường quay Bắc Kinh, Đại Liên và Changchun ở Mãn Châu, thêm hai tháng quay nội cảnh tại xưởng phim Cinecitta (Ý), bộ phim đã hoàn tất.

The Last Emperor có số phận rất kỳ lạ ở ngoài rạp, khi 12 tuần liên tiếp không lọt vào Top 10 phim ăn khách. Đến khi được dự báo có nhiều khả năng thắng Oscar, lập tức doanh thu tăng 168 % so với những tuần trước đó, số rạp chiếu tăng hơn gấp ba lần. Sau khi được đề cử 9 giải Oscar và thắng cả 9, số rạp chiếu phim này tăng thêm gấp đôi, kéo theo doanh thu tăng 306%, 6 tuần liên tiếp đứng trong Top 10 (cao nhất là hạng 4).

The Last Emperor là một thiên sử thi vĩ đại khiến khán giả thế giới phải choáng ngợp trước những hình ảnh cực kỳ tráng lệ. Tác động tích cực đã đến ngay sau đó với cơn sốt hàng triệu triệu khách du lịch lũ lượt kéo đến Trung Quốc, và con số ấy cứ tăng cao mỗi năm. Chẳng mấy chốc nó đã biến Trung Quốc trở thành một trong những điểm du lịch đáng giá nhất trên thế giới.

 

 

TRAILER

-
Bạn chưa chọn thiết bị/film nào
0 GB
Hỗ trợ trực tuyến Facebook Messenger Facebook Messenger
(+84)286 680 54 58