IMDb : 7.1/10
Thảm Sát Katyn, Vết Thương Không Lành Trong Tâm Thức Ba Lan
Katyn là tên một cánh rừng trên lãnh thổ Nga, gần Smolensk. Tháng tám 1941, đạo quân phát xít Đức khám phá thấy tại Katyn các mồ chôn tập thể của hơn 4.000 sĩ quan Ba Lan, mỗi nạn nhân bị bắn một phát súng vào đầu. Kể từ đó, Katyn đồng nghĩa với các vụ thảm sát của hàng chục ngàn tù nhân Ba Lan thuộc thành phần ưu tú nước này mà mộ phần nằm rải rác ở biên giới phía tây nước Nga.
Katyn là một bộ phim đau đớn, đau đớn cho người sáng tác, thực hiện, đau đớn cho người xem ngày nay và nhất là đau đớn cho hàng triệu người Ba Lan, nạn nhân của Staline, bởi vì nỗi thống khổ của họ đã bị dìm vào quên lãng, kể từ khi Liên Xô tấn công Ba Lan năm 1939, chiếm đóng nước này và biến Vacxava thành chư hầu trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ, trong bao nhiêu thập niên, vụ thảm sát hàng chục ngàn quân nhân Ba Lan tại Katyn là điều cấm kỵ trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa. Nó là một bí mật cho gần nửa nhân loại. Nó là một tội ác được che đậy dưới nhiều bức màn tuyên truyền dầy đặc và kiểm duyệt gắt gao.
Katyn là tên một cánh rừng trên lãnh thổ Nga, gần Smolensk. Tháng tám 1941, đạo quân phát xít Đức khám phá thấy tại Katyn các mồ chôn tập thể của hơn 4.000 sĩ quan Ba Lan, mỗi nạn nhân bị bắn một phát súng vào đầu.
Một trong những hố chôn tập thể trong vụ thảm sát tại Katyn
Kể từ đó, Katyn đồng nghĩa với các vụ thảm sát của hàng chục ngàn tù nhân Ba Lan thuộc thành phần ưu tú nước này mà mộ phần nằm rải rác ở biên giới phía tây nước Nga.
Ngay khi được phát hiện vào năm 1941, phát xít Đức đã tố cáo Liên Xô là tác giả các vụ thảm sát này. Vào lúc đó, phát xít Đức đã bắt đầu đánh chiếm Liên Xô. Chế độ Staline kêu oan và huy động cả một chiến dịch tuyên truyền vu cho phát xít Đức trách nhiệm gây ra biển máu.
Sự dối trá này kéo dài cho đến 1990. Dưới áp lực của Ba Lan đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và khi quyền lực tại Vacxava đã được chuyển dần vào tay công đoàn Đoàn Kết, Solidarnosc, thì tổng bí thư Gorbachev mới chính thức nhận tội và xin lỗi dân tộc Ba Lan.
Đó là ý nghĩa lịch sử của Katyn.
Bộ phim "Katyn" do đạo diễn Ba Lan Andrzej Wajda thực hiện là tác phẩm điện ảnh đầu tiên nói về sự kiện này. Là một phim truyện mang tính chính luận, nó vừa là biểu tượng của một sự lừa đảo chỉ có thể diễn ra trong các chế độ toàn trị, vừa là một tác phẩm nghệ thuật nhằm hóa giải cho hàng chục ngàn nạn nhân Katyn, hàng trăm ngàn thường dân khác của Ba Lan bị lưu đầy bởi bàn tay của Staline và giải oan cho hàng triệu con cháu họ đã đau đớn quằn quại, mỏi mòn trông đợi sự thật được làm sáng tỏ.
Có lẽ quan trọng hơn cả, "Katyn" của Andrzej Wajda là bộ phim rất hay với bộ cục điêu luyện, đan chéo LỊCH SỬ với thân phận nhiều nhân vật, mà ở đây, mỗi người phản ánh một thực tế, một tình huống bi tráng trong muôn vàn tình huống đã tạo thành thời điểm dữ dội Katyn.
--------------------------------------------------------------------------------
" Sự Thật Katyn Và Tội Ác Của Staline"
“Katyn” và Oscar 2008
Có lẽ ít ai để ý đến chi tiết “Katyn” khi nhà báo Ba Lan Maria Kruczkowska phỏng vấn hai vợ chồng Juang Chiang và Jon Halliday, đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng “Mao: The Unknown Story”. Jon Halliday nói: “Tôi có nghe nói về bộ phim “Katyn” của Wajda. Mỗi một dân tộc cần biết sự thật về mình. (...) Katyn là tội ác của người Nga với người Ba Lan, nhưng còn khó khăn hơn, khi tội ác đó gây ra bởi chính người của mình”.
Andrzej Wajda (Andrei Vaida) là đạo diễn Ba Lan nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng lớn nhất tại các Festival phim quốc tế: “Cành Cọ Vàng” (1981, Cannes, Pháp), “César” (1982, Pháp), “Felix” (1990 - The European Film Awards), “Oscar” cho Toàn Bộ Sự Nghiệp Điện Ảnh (2000, Hoa Kỳ) và “Gấu Vàng” (2006, Berlin, Đức quốc).
“Katyn” của Wajda là phim truyện lịch sử nói về vụ thảm sát gần 22 ngàn binh sĩ Ba Lan tại khu rừng có tên “Katyn”, vào năm 1940. "Katyn" được chiếu tại Ba Lan từ tháng 9/2007.
“Katyn” được đề cử tranh giải Oscar 2008 cho thể loại phim không nói tiếng Anh, bên cạnh các đối thủ nặng ký như: phim “12” của N. Michalkov (Russia), “Die Fascher” (The Counterfeiters) của Stefan Ruzowitzky (Austria), “Beaufort” của J. Cedara (Israel) và “Mongol” của S. Bodrov (Kazachstan).
Chỉ riệng sự kiện được đề cử “Katyn” tranh giải Oscar 2008 đã tạo nên ấn tượng mạnh trong dư luận báo chí tại Ba Lan và nước ngoài, nhất là ở Hoa Kỳ, không riêng trong phạm vi điện ảnh, mà còn là vấn đề chính trị-lịch sử.
Richard Pipes, nhà sử học Hoa Kỳ viết: “Người Mỹ thường không thích phim nước ngoài. Họ nói rằng, đơn giản là họ không hiểu. Trong mối tương quan này, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, nhiều người Mỹ vẫn sống bằng những ảo tưởng với vô số đề tài lịch sử - trong đó có cả đề tài về Liên Xô và người Nga. Cho nên, nếu như “Katyn” - được đề cử Oscar, khó có hy vọng đoạt giải thưởng cao nhất này, thì ít ra sẽ xuất hiện cơ hội, không phải chỉ cho nước Mỹ, mà là cho cả thế giới biết được một sự thật khó khăn trong quá khứ của mình”.
“Tất nhiên, không một chút nghi ngờ nào trong việc “Academy of Motion Pictures Arts and Science” đề cử “Katyn” trước hết vì giá trị nghệ thuật của bộ phim. Nhưng trong tiềm thức của tôi, quyết định này có một phạm trù lớn hơn và ý nghĩa cao hơn. Bi kịch năm 1940 tại rừng Katyn vẫn còn ít được biết đến trên thế giới, nếu không nói là xa lạ. Tôi cho rằng, việc thể hiện lại lúc này, biến cố - không riêng của lịch sử Ba Lan mà của cả nước Mỹ, là một thời điểm rất tốt. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga trong thời gian gần đây khá phức tạp và tế nhị. Người Mỹ đang tìm giải đáp cho câu hỏi, trong mối quan hệ này. Lịch sử nước Nga, tâm lý hay tập quán đóng vai trò quan trọng nhất” – Richard Piper phân tích.
Một sử gia khác là Norman Davies, người Anh, nói: “… Trong một số vấn đề lịch sử của Ba Lan, cho đến ngày hôm nay bị làm ngơ khủng khiếp ở phương Tây. Câu hỏi đặt ra là làm sao đánh động được hàng triệu người không phải là kẻ thù của lịch sử Ba Lan mà đơn giản là họ không biết gì cả. “Katyn” không hợp với sự mường tưởng của họ về Thế chiến thứ II: phía Thiện, tức là những người chống lại Đức Quốc Xã III – và chỉ một phía Ác: phát xít Hitler. Sự thể là, trong cùng thời gian ấy còn một bạo chúa hãi hùng khác, đó là Liên Xô – mà trong thực tế người ta có biết đến nhưng rất hời hợt. (…) Sau khi Đức đổ bộ, đất nước Ba Lan còn bị cả quân Xô Viết tấn công…”.
Khi được hỏi, “Katyn” có mang lại thay đổi gì trong quan hệ Ba Lan-Nga, nhà báo danh tiếng Anne Applebaum (giải thưởng Pulitzer 2003 cho cuốn sách “A History Gulag” nói về các trại tù cải tạo Xô-Viết) của “The Washington Post” nói: “Ít khi có bộ phim hoặc cuốn sách nào tạo nên bước ngoặt ngay tức thì. Nhưng xây dựng mối quan hệ của hai nước giống như xây dựng một chiếc cầu chung:“Katyn” là viên gạch của chiếc cầu này, có tác dụng để người Ba Lan và người Nga hiểu nhau hơn. Phim của A. Vaida chắc chắn có thể hỗ trợ cho việc khởi điểm tìm lại sự thật lịch sử”.
Piere Manent, nhà triết học và lịch sử Pháp viết: “Lịch sử thế kỷ XX chưa được biết tường tận, đặc biệt về các tội ác của Stalin. Thậm chí phương Tây cũng không biết nhiều lắm về nó. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, thế giới đã không hề gây áp lực gì với Nga để tìm lại căn cước lịch sử. Không hề có lời kêu gọi Gorbachev hay những người kế tục hãy nói lên sự thật và giải thích cho mọi người về những tội ác. Phương Tây cũng như nước Nga chẳng hề quan tâm đến những sự kiện này. (…) Phim ảnh có tác động tâm lý rất mạnh. Nhờ có “Schendler's List” mà người Mỹ có thể cảm nhận những bối cảnh đau thương của Thế chiến II. Tương tự, “The Pianist” để lại cho con người nhiều suy gẫm. Và giờ đây là mặt khác của bối cảnh sự việc – Người Âu châu biết rằng Ba Lan bị Đức tấn công, nhưng vô số người không biết rằng, Liên Xô đã nhảy vào Ba Lan từ phía thứ hai. Những bộ phim như “Katyn” nhắc lại cho mọi người rằng, lịch sử không phải chỉ có trắng-đen và người Nga, kết thúc chiến tranh như những người đồng minh, nhưng họ đã cùng với Đức chia xé Ba Lan”.
Thủ tướng Đức, bà Angiela Merkel, đã đến xem để cổ vũ cho buổi ra mắt (premiere) quốc tế phim “Katyn” tại Festival Berlin diễn ra trong các ngày 15/02 -18/02/2008. Trong khuôn khổ của Festival này, các nhà bình luận cho rằng, “Katyn” trong con mắt của cộng đồng quốc tế là phát hiện của sự việc chưa được biết hoặc bị lừa dối - không chỉ trong các nước đã từng chịu sự kiểm soát của Liên Xô.
Michel Ciment, một trong những nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng nhất của Pháp nhắc lại Festival Cannes 1974. Đạo diễn Nam Tư (Yugoslavia cũ) giới thiệu phim “Sweet Movie”, trong đó nói Katyn là tội ác của Liên Xô, nhưng đã bị những người cộng sản Pháp lúc bấy giờ chỉ trích về sự thiếu tính xác tín chính trị.
Nhật báo Pháp "Le Figaro" ngày 17/02/2008 viết: “Với hiểu biết cao rộng và sâu sắc về lịch sử và tình cảm con người, Wajda – người có cha là nạn nhân vụ thảm sát – đã đóng dấu ấn vào trang sử im lặng”.
Trong một cuộc họp báo A. Wajda nói: “Tôi không muốn bộ phim này tham dự vào bất cứ trò chơi chính trị nào và trở thành đối tượng đầu cơ. Cũng như rất nhiều phim của tôi trước đây, “Katyn” là bức tranh của một thời đã qua và chúng ta phải nhớ. Những diễn viên trẻ tuổi nhập vai vào thế giới khác của một quá khứ không bao giờ trở lại”.
Lẽ ra nếu đúng kế hoạch của các nhà phân phối, phim “Katyn” sẽ được ra mắt khán giả vào Nga ngày 5/03/2008, trùng vào kỷ niệm ngày chết của Stalin (5/03/1953), nhưng đã bị Kremlin ngăn chặn. Tuy nhiên Wajda vẫn hy vọng rằng, “Chúng ta sẽ nghe những tiếng nói khác nhau từ nước Nga, kể cả những tiếng nói không muốn nhìn nhận sự thật, nhưng rõ ràng trong sự việc này không có áp lực từ trên xuống, bởi vì Sergiei Giermash, diễn viên người Nga, khi được tôi mời thủ vai sĩ quan Nga đã cứu vợ của một sĩ quan Ba Lan ngay khi nghe thấy tín hiệu đầu tiên (trong phim cũng như sự thật ngoài đời) đã nhận lời ngay: “Vâng! Tôi rất sung sướng”. Bộ phim “Katyn” không nhắm vào nước Nga”.
A. Wajda tâm sự: “… Không có cách nào khác hơn khi chia tay với nỗi đau bằng cách bày tỏ nó”. Và: “Câu chuyện Katyn có thể khó khăn và đưa đến sự đồng cảm không riêng cho người Ba Lan. Tôi đã lo ngại về trách nhiệm - với thế hệ trẻ, rằng họ sẽ đặt câu hỏi: ông ta kể lể chuyện gì thế này, hình như là gì đó của quá khứ lịch sử”.
Thế nhưng, dù Andrzej Wajda đứng trong bối cảnh nào để phát biểu về phim của mình, thì “Katyn” cũng đã vượt ra khỏi những tâm tình, mong muốn của ông và biên giới Ba Lan.
Sự thật Katyn
Ngày 01/09/1939 Hitler tấn công Ba Lan, mở đầu Thế chiến lần thứ II. Thoả thuận ngầm với Đức Quốc Xã, ngày 17/09/1939, Liên Xô cho quân chiếm đóng các vùng phía Đông của Ba Lan. Khoảng hơn 20 ngàn sĩ quan, binh lính của quân đội quốc gia và cảnh sát Ba Lan bị bắt và bị nhốt tập trung trong các trại tù ở khu rừng Katyn (phía Tây của Belarus và Ukraine).
Ngày 5/03/1940, Tổng thanh tra Bộ Nội vụ Liên Xô L. Beria gửi văn bản No. 794/B [794/Б] tới Stalin, đề nghị bắn bỏ không cần điều tra, luận tội 14.700 tù binh và 11.000 tù nhân khác (trong đó đại đa số là người Ba Lan) vì “không nhìn thấy sự hối cải của kẻ thù đối với lãnh đạo Xô Viết”.
Trên văn bản của L. Beria có các chữ ký của Stalin, Voroshilov, Molotov, Mikoian và thêm bút tích của Kalinin. Cùng ngày, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản (ĐCS) Liên Xô ra quyết định No. P13/144 chuẩn y đề nghị của Beria.
Ngày 22/03/1940, L. Beria ra sắc lệnh No. 00350 và một trong những cuộc thảm sát có kế hoạch lớn nhất trong lịch sử Ba Lan và thế giới trong thế kỷ XX đã xảy ra.
Sự dối trá và sự thật nhức nhối
Năm 1987, trong khuôn khổ của Pierestroika Michail Gorbachev đã đồng ý thành lập uỷ ban hỗn hợp Liên Xô-Ba Lan với mục đích tìm sự lý giải cho những vết đen lịch sử trong quan hệ hai nước. Gọi tên uỷ ban như vậy nhưng trong thực tế là tìm phương thức thích ứng để công khai hoá thủ phạm. Cũng cần lưu ý ở đây rằng, với cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao, chắc chắn Gorbachev đã biết rõ "Hồ sơ đặc biệt Số 1" và văn bản số RP-979 [РП-979] của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, trong đó có âm mưu tìm lại nguồn thảm sát tù binh Nga để phản công lại phía Ba Lan.
Andrei Kunert, giáo sư tiến sĩ sử học nổi tiếng của Ba Lan đã từng nói trước công luận rằng, chỉ riêng phía Nga tạo dựng sự việc thảm sát tù binh thuộc quân xâm lược Bôn-se-vich trong cuộc chiến 1920 giữa Nga và Ba Lan để làm đối trọng với Katyn - tội ác đối với hàng binh của nước Ba Lan bị xâm lược, tay không tấc sắt - đã là một trò đầu cơ bỉ ổi. Ông nói: “Các tài liệu lịch sử cho thấy rằng, trong 110 ngàn tù binh Bôn-se-vich đã có 66 ngàn trở về nước, phía Ba Lan không hề giết hại một người nào. Khoảng 24-28 ngàn là nạn nhân của dịch tả và dịch sốt Rickettsia (typhus) hoành hoành trên toàn Âu châu bấy giờ, và đúng với số lượng ấy người ta đã gạt qua những đơn vị chiến đấu với Ba Lan. Trong những năm 90, chính phủ Ba Lan đã trao lại cho phía Nga toàn bộ hồ sơ lưu trữ về vấn đề này”.
Vụ thảm sát Katyn đã được đưa ra Toà án Quân sự tại Nürnberg, Đức quốc, năm 1945. Công tố viên Liên Xô, tướng R.A. Rudenco đã buộc tội phát xít Đức thảm sát 11 ngàn tù binh Ba Lan tại Katyn. Tuy nhiên, đã không có phán xét chung cuộc vì không thể chứng minh được tội ác gây ra thuộc về người Đức.
Ngày 22/12/1953, một ủy ban của Thượng Viện Hoa Kỳ, sau nhiều cố gắng vận động của cộng đồng người Ba Lan tại Mỹ, đã gửi tường trình lên chính phủ và cáo buộc Liên Xô trước Toà án Quốc Tế (International Court of Justice) tại Den Haag (Netherlands), một định chế tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Năm 1971, BBC cho chiếu bộ phim tài liệu với tựa đề: "Sự việc cần lãng quên".
Cuối những năm 50, dưới chỉ đạo của tổng bí thư N. Khrushchev, sếp KGB Alexander Shlepin đã bí mật nghiên cứu hồ sơ Katyn, sau đó bằng văn bản N-632-SH [Н-632-Ш] ngày 3/03/1959, đề nghị tiêu huỷ 21.857 cặp tài liệu nhân sự về các nạn nhân Katyn mà Sheplin gọi là “những tên tù của Ba Lan tư sản” - được coi là không có giá trị phân tích cũng như lịch sử, chỉ giữ lại những thứ quan trọng nhất, tập hợp trong một bộ hồ sơ mang tên "Hồ sơ đặc biệt Số 1". “Hồ sơ đặc biệt Số 1” này được cất giữ tuyệt mật và chỉ những người lãnh đạo cao nhất của đảng CS Liên Xô mới có quyền tiếp cận.
Năm 1978 người ta cho dựng bia kỷ niệm nạn nhân tại Katyn với dòng chữ: “Nạn nhân của chủ nghĩa phát xít – những sĩ quan Ba Lan bị bắn chết bởi quân đội Hitler trong năm 1941”.
Sự dối trá này được duy trì trong suốt gần 5 thập niên cuối của thế kỷ XX dưới chế độ cộng sản Ba Lan. “Katyn” trở thành đề tài nhạy cảm, bị cấm kỵ trong các tranh luận xã hội. Gia đình các nạn nhân phải ôm hận đau thương trong im lặng.
Năm 1989, chế độ cộng sản sụp đổ đầu tiên tại Ba Lan và tiếp theo là sự phá sản giây chuyền toàn bộ khối cộng sản tại Trung-Đông Âu và Nga. Ngày 14/10/1992, thừa lệnh tổng thống Boris Jeltsin, Viện lưu trữ Nga đã trao lại cho tổng thống Ba Lan L. Valesa toàn bộ các bản sao của Hồ sơ đặc biệt Số 1. Hồ sơ được công bố ngay cho công luận tại Ba Lan và tại Nga năm 1993 trên số đầu tiên của nguyệt san “Voprosi Histori”. Nhà nước Nga cũng đồng ý mở hồ sơ cho các nhà khoa học, lịch sử Ba Lan và các nước khác.
Ngày 30/11/2004, Viện Tưởng Nhớ Dân Tộc Ba Lan (The Institute of National Remembrance – Commission of the Prosection of Crime against the Polish Nation) chính thức điều tra “Tội ác Katyn”.
Ngày 11/03/2005 Viện Công tố Quân sự Tối cao Nga - mặc dù đã thu thập hàng trăm tập hồ sơ, tài liệu và đã có những cam kết hỗ trợ phía Ba Lan trước đó - ra thông báo về việc chấm dứt điều tra. Viện Công tố Quân sự Tối cao Nga chính thức cho rằng, “không có cơ sở để kết luận Katyn là tội ác chống nhân loại”. Thông báo giải thích rằng, việc trấn áp, giam giữ và đối xử với binh sĩ Ba Lan phù hợp với các tiêu chuẩn phổ cập vào thời buổi đó. Nước Nga xem vụ Katyn là tội phạm thông thường, do đó đã quá thời hạn hiệu lực hồi tố. Tồn tại một lý do trong việc đóng hồ sơ không được nói ra là có sự đồng loã của đảng Cộng sản Ba Lan trong việc bắt giữ sĩ quan và binh lính của quân đội quốc gia Ba Lan.
Phía Ba Lan vẫn giữ quan điểm của mình. Viện Tưởng Nhớ Dân Tộc Ba Lan nhờ “Memorial”, một tổ chức xã hội Nga chuyên sưu tập và nghiên cứu tội ác của chủ nghĩa Stalin, đánh giá tính pháp lý của kết luận do Viện Công tố Quân sự Tối cao Nga đưa ra. “Memorial” đã trả lời dựa trên điều khoản 193 điểm 17 của Bộ luật hình sự Nga (RFSRR) rằng, đây là “tội lạm quyền của những người lãnh đạo cao nhất trong Bộ chỉ huy Hồng Quân Liên Xô”.
Ngày 14/07/2007, quốc hội Cộng Hoà Ba Lan ra thông báo: “Để tưởng nhớ tất cả những người bị GUGB (*) giết hại trên cơ sở sắc lệnh của lãnh đạo cao nhất Liên Xô ngày 5/03/1940, Quốc hội Ba Lan quyết định lấy ngày 13 tháng Tư hàng năm làm Ngày Tưởng Nhớ Nạn Nhân Tội Ác Katyn”.
Nói về thái độ thay đổi lật ngược của phía Nga, W. Konończuk, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông của Ba Lan nói: “Ba Lan không phải là ngoại lệ. Người Nga cũng thể hiện tương tự trong các quan hệ với Ukraine và các nước vùng Baltic. Chúng ta đừng quên nguồn gốc của tổng thống Putin: chỉ đạo viết lại lịch sử Liên Xô, ông ta xoá bỏ những tội ác gây nên bởi lực lượng đặc biệt, nơi mà từ đó ông ta xuất phát tiến thân”.
A. Gurianov, chuyên viên về Katyn của Tổ chức “Memorial” giải thích: “Chính quyền Nga hiện nay nói chung muốn làm ngơ trước những trang sử đen tối của lịch sử nước tôi. Trong nước Nga hiện đại đang có những đề tài tranh luận hoàn toàn khác về quá khứ. Với tất cả sức mạnh người ta đang cổ vũ cho các sự kiện khơi dậy tính anh hùng và vị thế cường quốc của nước Nga. Phần còn lại tốt nhất là quên đi”.
Trong dư luận Ba Lan, nhiều người cho rằng, nếu phía Nga thừa nhận Katyn là tội ác (diệt chủng) chống nhân loại, thì hàng trăm ngàn người thân của các nạn nhân Ba Lan hiện nay có quyền đòi nhà nước Nga bồi thường trước công pháp quốc tế. Điều này sẽ là một tổn thất to lớn về vật chất và đạo đức cho nước Nga…