IMDb : 8.7/10
4K UHD BLU-RAY
'Goodfellas': Bức tranh chân thực nhất về thế giới tội ác
Những cảnh quay đầy bạo lực được đánh giá là lột tả cuộc sống xa hoa nhưng đầy khốc liệt của giới xã hội đen đã đem đến thành công cho GoodFellas.
Cách đây 25 năm, nhà phê bình phim nổi tiêng Roger Ebert đã viết “GoodFellas là bộ phim xuất sắc nhất về thế giới tội phạm có tổ chức từng được sản xuất. Kể cả The Godfather cũng không thể hơn được cho dù thật khó để so sánh về hai bộ phim này”. Và rất nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý với Roger Ebert khi GoodFellas luôn nằm trong top đầu của mọi bảng xếp hạng phim về xã hội đen. Bộ phim này cũng để lại một dấu ấn lớn trong sự nghiệp của đạo diễn Martin Scorsese cũng như bộ ba diễn viên chính gồm Robert De Niro, Ray Liotta và Joe Pesci.
Cảm hứng đến từ một quyển sách ăn khách về thế giới ngầm
Vào năm 1986, đạo diễn Martin Scorsese đọc được một bài viết giới thiệu về quyển sách Wiseguy: Life in a Mafia Family của nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra tội phạm ở New York, Nicholas Pileggi. Vốn là người không xa lạ với thế giới tội phạm do đã từng làm phim về đề tài này (Mean Streets năm 1973), Martin Scorsese bị cuốn hút với cách mô tả thế giới ngầm của Nicholas Pileggi. Ông cảm thấy quyển sách đã lột tả một cách hoàn hảo về cuộc sống của giới tội phạm Mỹ gốc Ý và muốn làm một bộ phim theo cuốn sách này.
Martin Scorsese nhận xét: “Quyển sách đem đến cho người xem một cảm nhận về cuộc sống thường nhật của những người sống trong thế giới ngầm. Từ những chuyện tẻ nhạt như cách họ làm việc đến cách họ cướp quyền kiểm soát một hộp đêm ra sao, vì lý do gì…”.
Và sau một cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Martin Scorsese và Nicholas Pileggi, dự án GoodFellas được khởi động với tên gọi ban đầu là Wise Guy. GoodFellas (Những chiến hữu tốt) dẫn dắt khán giả đi vào câu chuyện với lời kể của Henry Hill (Ray Liotta đóng), từ lúc hắn còn là một đứa trẻ gốc Ý – Ireland với tham vọng bước chân vào thế giới ngầm đến khi trở thành một tay mafia thứ thiệt.
Một điểm đặc biệt trong cách làm phim của GoodFellas là còn có một lời kể thứ hai từ người vợ của Henry Hill là Karen (Lorraine Bracco). Karen từ một cô gái nhà lành đột nhiên bước chân vào thế giới ngầm khi gặp gỡ Henry Hill và cảm thấy hạnh phúc với nó cũng như luôn tự hào với những chiến tích của chồng.
Cuộc sống xa hoa của vợ chồng Henry Hill tạo ấn tượng về quyền lực của ông trùm
Bộ phim đưa khán giả đi vào thế giới xã hội đen bằng cách từng bước giới thiệu các nấc thang quyền lực qua quá trình các nhân vật vươn lên. Qua lời kể của Henry Hill, khán giả gặp Jimmy Conway (biệt danh Jimmy the Gent, Robert De Niro đóng ), một kẻ thích ăn cắp chỉ vì đam mê và Tommy DeVito (Joe Pesci), một anh chàng dễ mến nhưng có tính khí nóng nảy, không biết kiềm chế và thường để lại hậu quả nghiêm trọng. Từ ba kẻ làm tay sai đầy tham vọng cho ông trùm Paul Cicero (Paul Sorvino đóng), bộ ba chiến hữu Henry Hill, Jimmy the Gent và Tommy DeVito đã cùng nhau trải qua nhiều phong ba của chốn giang hồ để giành được vị thế và quyền lực trong giới xã hội đen.
Tommy DeVito với tính khí thất thường là một trong những nhân vật thú vị nhất
Martin Scorsese đặt dấu ấn của mình từ khâu biên kịch
Để xây dựng kịch bản cho GoodFellas, đạo diễn Martin Scorsese và Nicholas Pileggi phải viết đi viết lại đến 12 lần trước khi tìm được kịch bản lý tưởng. Nicholas Pileggi nhận ra rằng có rất nhiều thứ cần phải làm lại hết chứ không thể đưa nguyên tác phẩm văn học lên phim nên đồng ý để Martin Scorsese đứng tên đồng tác giả kịch bản. Lúc này, Martin Scorsese thuyết phục Nicholas Pileggi chấp nhận việc không theo cách dẫn truyện truyền thống mà theo phong cách mới.
Bên cạnh việc dùng 2 vợ chồng Henry Hill làm người kể chuyện, GoodFellas còn có nét khác biệt ở chỗ chia thành nhiều chương và bắt đầu câu chuyện từ đoạn giữa cuộc đời nhân vật. Martin Scorsese cũng thực hiện lời mào đầu theo như đoạn mở đầu của bộ phim kinh điển Jules and Jim (1962) cũng như áp dụng nhiều thủ pháp điện ảnh đến từ làn sóng Pháp (French New Wave) hồi thập niên 1960 để thực hiện bộ phim.
Ê-kíp diễn viên hoàn hảo và toàn tâm cho vai diễn
Để chọn người vào vai nhân vật chính Henry Hill, ê-kíp sản xuất đã cân nhắc rất nhiều tên tuổi lớn. Dù vậy, đây là một vai diễn có yêu cầu tương đối khó và không có nhiều diễn viên có thể đáp ứng được. Các nhà sản xuất đã cân nhắc đến việc mời Tom Cruise tham gia bộ phim trước khi đạo diễn Martin Scorsese chọn được Ray Liotta. Để nhập vai Jimmy the Gent, Robert De Niro đã phải tìm đọc lại các ghi chép chưa được dùng đến trong sách của Nicholas Pileggi cũng như tìm đến Henry Hill thật để hỏi về phong cách thật của Jimmy the Gent, từ cách hắn ta cầm điếu thuốc đến cách ăn tương cà… Trong khi đó, Ray Liotta không đến gặp Henry Hill nhưng thường xuyên nghe đi nghe lại băng thẩm vấn của FBI với ông trùm này để tìm hiểu nhân vật. Với Joe Pesci, mọi chuyện dễ dàng hơn khi anh vốn từng hợp tác với Robert De Niro trong bộ phim Raging Bull (1980) của đạo diễn Martin Scorsese. Chính Joe Pesci cũng là người đã viết kịch bản cho đoạn hội thoại đáng nhớ bậc nhất trong phim, khi nhân vật Tommy DeVito của anh thể hiện tính khí thất thường với việc lúc đùa giỡn, lúc nổi cơn thịnh nộ và hành hung người khác.
Thành công rực rỡ và những dấu ấn đáng nhớ
Ở buổi chiếu thử phim cho một số khán giả hạn chế, GoodFellas đã nhận được điểm số phản hồi thấp nhất trong lịch sử của hãng Warner Bros. Nhiều người đã phê phán bộ phim nặng nề về việc quá bạo lực cũng như dùng những từ ngữ thô tục và ma túy. Tuy nhiên, khi chính thức ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Liên hoan phim Venice 1990, GoodFellas đã lập tức tạo tiếng vang và đem về cho Martin Scorsese giải Sư tử bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim sau đó cũng nhận được 5 đề cử giải Quả cầu vàng và 6 đề cử giải Oscar với một chiến thắng ở giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của Joe Pesci. GoodFellas tạo được dấu ấn mạnh mẽ với cả các nhà phê bình phim lẫn khán giả đại chúng.
Có rất nhiều câu thoại trong phim được nhiều người yêu thích và thường xuyên trích dẫn cho đến tận ngày nay. Có thể kể đến như câu thoại kinh điển của Jimmy the Gent: “Không bao giờ được bán đứng bạn bè và phải biết ngậm miệng”, hay lời kể của Henry Hill: “Với tôi, điều quan trọng là trở thành một kẻ có vai vế giữa đám đông”… Bên cạnh đó, GoodFellas cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ đến nhiều bộ phim khác. Điển hình là loạt phim truyền hình lừng danh hồi thập niên 1990 về xã hội đen The Sopranos có rất nhiều chi tiết gợi nhớ đến GoodFellas.
Bên cạnh việc sử dụng lại rất nhiều diễn viên từ GoodFellas, người tạo ra The Sopranos David Chase cũng thừa nhận rằng “GoodFellas là quyển kinh thánh dẫn đường cho tôi”. Và cũng với lý do đó mà trong The Sopranos, có không ít phân cảnh các nhân vật đề cập đến GoodFellas. Tạp chí American Film đã tham khảo ý kiến của 80 chuyên gia điện ảnh và chọn GoodFellas là phim hay nhất của thập niên 1990. Joe Pesci đã đi vào lịch sử khi nhân vật Tommy DeVito được các tạp chí điện ảnh Premiere và Empire chọn đưa vào danh sách 100 nhân vật nổi bật trên màn ảnh mọi thời đại của họ.
Các diễn viên ngày ấy bây giờ
Sau thành công của GoodFellas, tên tuổi của Ray Liotta nhanh chóng được mọi người biết đến. Anh không chỉ dễ dàng được trao nhiều vai diễn lớn mà còn lấn sân sang cả lĩnh vực trò chơi điện tử khi tham gia lồng tiếng cho trò chơi về xã hội đen Grand Theft Auto: Vice City.
Sau GoodFellas, Robert De Niro quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực phim hài với việc xuất hiện trong các loạt phim Analyze This và Meet the Parrents. Ông còn làm đạo diễn phim và đồng sáng lập Liên hoan phim Tribeca.
Với vai nữ chính Karen Hill, nữ diễn viên được đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc và sự nghiệp tiếp tục thăng tiến khi sau này cô nhận tiếp 4 đề cử giải Emmy cho vai diễn trong phim truyền hình về xã hội đen The Sopranos.
Với giải Oscar Nam diễn viên phụ, Joe Pesci cũng trở nên nổi tiếng hơn và duyên hài hước của nhân vật Tommy DeVito cũng giúp anh có được nhiều vai diễn trong các bộ phim hài. Điển hình là loạt phim Home Alone (Ở nhà một mình).
Nhân vật Parnell Edwards yểu mệnh trong phim nhưng sự nghiệp của Samuel L. Jackson vẫn vững vàng suốt 25 năm qua. Ông vừa xuất hiện trên màn ảnh rộng qua phim Big Game (Săn lùng) và Avengers 2.