IMDb : 8.0/10
“Baby Driver” đã đá đểu các bom tấn hành động khác như thế nào?
Với tính chân thực cao trong các trường đoạn rượt đuổi, Baby Driver của đạo diễn Edgar Wright đã ngấm ngầm mỉa mai các chi tiết bất hợp lý thường thấy trong những tựa phim hành động.
Kế hoạch đơn giản nhất thì cũng khó lường nhất
Ở cảnh cướp nhà băng đầu tiên, suýt nữa thì khán giả khó tính đã có cớ “bắt lỗi” Baby, khi cậu chọn cho mình một chiếc xe đỏ siêu lòe loẹt và dễ nhận diện để hành sự. Song, tất cả đều nằm trong kế hoạch của ông trùm Doc, bởi khi lực lượng cảnh sát quá tập trung vào màu sắc nổi bật của phương tiện, họ sau đó trở nên lúng túng trước sự xuất hiện của… ba chiếc xe đỏ trên đường quốc lộ.
Đây là một kế hoạch tưởng chừng đơn giản như phim hoạt hình dành cho trẻ con, nhưng ngẫm lại thì tính hiệu quả lại cực kỳ cao. Trong khi đó, loạt Fast & Furious hay nhiều tựa phim hành động cùng thể loại lại giới thiệu đến khán giả những kế hoạch quá ư là phức tạp nhưng không thực sự cần thiết, chẳng hạn như cho siêu xe... nhảy dù từ độ cao ngàn thước, hay tìm kiếm một thiết bị định vị toàn cầu nào đó chỉ để săn lùng cái kẻ có thù hằn với mình.
Luôn phải thay người trong mỗi phi vụ khác nhau
Phần lỗi vẫn thuộc về thương hiệu “Quá nhanh Quá nguy hiểm”, cũng như hầu hết các tựa phim hành động có yếu tố đội nhóm như The A-Team, The Expendables... Họ là những đội nhóm đánh thuê mà không chính phủ nào thừa nhận, nhưng lại tự tin dùng đi dùng lại từng ấy thành viên. Bộ các anh hùng không sợ trong hàng ngũ đội nhà có kẻ phản bội hay sao?
Ông trùm Doc thì thông minh hơn, có sẵn cho mình một danh sách các số điện thoại để thay thế khi cần. Trừ tài xế “lái lụa” Baby là không thể thay thế được, còn lại mỗi phi vụ sẽ là những thành viên không hề quen biết nhau. Họ không cần phải rủ nhau vào quán rượu để kết tình đồng chí, họ chỉ cần mang tiền về cho lão đại là đủ!
Nhạc lên là… bắn
Không biết các bạn còn nhớ tình tiết nhỏ xíu nhưng rất buồn cười này không: Sau khi bọn cướp của Bats cãi nhau về cái mặt nạ Halloween, chúng tự ý xông ra làm lỡ bài nhạc mà Baby đã mở từ trước. Thế là cậu chàng bắt chúng phải… dừng một chút, bật lại nhạc rồi mới cho xông ra.
Tình tiết này gợi nhắc phong cách làm phim hành động quen thuộc của Hollywood, cứ mỗi lần nhân vật chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ bá đạo gì đó thì nhạc nền giật gân sẽ nổi lên nhằm làm tăng độ kịch tính.
Mỉa mai các sản phẩm quảng cáo xuất hiện trên phim
Baby nói với Deborah rằng cậu có những chiếc Ipod khác nhau để dành cho những tâm trạng khác nhau.
Chi tiết này có thể nhằm đá đểu các bộ phim thương mại mà phần lớn vốn được góp vào nhờ các công ty sản phẩm, dẫn đến việc các nhân vật dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cứ mỗi lần xuất hiện lại đi xe xịn, mặc đồ hiệu, dùng điện thoại đắt tiền; chưa kể là mỗi phần phim thì các sản phẩm lại tự nâng cấp sang đời mới nhất. Nói đâu xa, đám “người chuyển giới” trong loạt Transformers nè!
Không phải cứ “ngầu” thì sẽ thoát chết
Không biết đạo diễn Edgar Wright có tầm sư George R.R. Martin hay không, mà phong cách “All Men Must Die” được thể hiện rất rõ trong Baby Driver. Trong nhiều tựa phim hành động, các nhân vật có vẻ ngoài oai vệ, là ân nhân hay kẻ thù của nhân vật chính thì thường tự khắc sống thọ. Thậm chí họ có bị đá đè hay nổ bom thì vẫn sống phây phây.
Ngược lại, Baby Driver sẵn tay khai tử những tuyến nhân vật quan trọng từ trước khi bắt đầu cảnh cao trào của bộ phim, cụ thể là những cái chết rất oái oăm đến… nhảm nhí của Bats, Darling và cả Doc nữa.
Tội phạm có “oách xà lách” thế nào thì cũng phải sa lưới pháp luật
Chẳng được như anh Dominic Toretto phá hoại tài sản của công, giết người như nghóe mà cuối cùng vẫn thản nhiên làm tiệc BBQ trên sân thượng; các nhân vật trong Baby Driver đều phải đối mặt với hậu quả vào cuối phim.
Trong khi các thành viên chủ chốt của băng đảng Doc đều “tạch”, thì bản thân Baby cũng phải vào tù vì tội đồng phạm. Thế mới biết dù bạn làm tội phạm ngầu và oai hùng đến đâu, đến cuối đoạn đường chỉ có chấn song và cơm nhà nước chờ đợi bạn.
Nhân vật phản diện không ngồi yên trên xe chờ chết
Ở cảnh cao trào khi Baby dùng xe của mình đẩy xe của nhân vật Buddy rơi từ trên cao xuống, nhiều khán giả đã nhăn mày: Sao thằng cha này không chui ra khỏi xe? Sau đó, Buddy thực sự đã chui ra khỏi xe và thoát hiểm trong gang tất.
Nhiều tựa phim hành động khác rất thích “ngu hóa” các nhân vật phản diện, khi trong giây phút nguy kịch họ lại tỏ ra ngơ ngác chết trân thay vì cuống cuồng tìm đường sống. Giống như nhân vật Annie Wilkes trong phim The Misery từng mỉa mai: cùng một cảnh rơi xe xuống vực thẳm, nhưng người hùng sẽ thoát hiểm vào giờ chót, còn kẻ phản diện phải chịu chết.