IMDb : 7.2/10
"Deepwater Horizon": Câu chuyện có thật về những người anh hùng trên giàn khoan
Những chi tiết trong quá trình thực hiện bộ phim về đề tài thảm họa "Deepwater Horizon" đã được các nhà làm phim và cả nhân chứng sống sót tiết lộ.
Ngày 20/04/2010, giàn khoan nước sâu ở ngoài bờ biển Louisiana với tên gọi Deepwater Horizon đã làm chấn động cả thế giới khi xảy ra một vụ nổ dữ dội kéo theo sự cố tràn dầu không có cách nào ngăn chặn được. Trong vòng 87 ngày, hơn 50.000 thùng dầu thô đã tràn ra bờ biển Vịnh Mexico. Đây được xem là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử khai thác dầu khí của nhân loại.
Không chỉ tái hiện lại sự kiện lịch sử này trên màn ảnh, bộ phim Deepwater Horizon (tựa Việt: Thảm Họa Giàn Khoan) sẽ mang đến cho khán giả một góc nhìn khác mà cả thế giới chưa từng biết đến. Trước đây, những chủ đề thường được đề cập đến chỉ là xoay quanh vấn đề môi trường, thì đây sẽ là câu chuyện dũng cảm của 126 công nhân đang làm việc trên giàn khoan vào ngày định mệnh đó. Họ là những công nhân lành nghề đang làm việc chăm chỉ để hy vọng sớm trở về đoàn tụ với gia đình trên bờ. Nhưng đột nhiên, họ phải đối mặt với khoảnh khắc tăm tối nhất trong cuộc đời mình. Đứng giữa ranh giới của sự sống, họ phải chạy đua từng phút, đương đầu với đại dương mênh mông với những ngọn lửa hung thần, để bảo vệ và cứu lấy nhau.
Vào đêm ngày 20/4/2010, Mike Williams – kỹ sư trưởng trên giàn khoan dầu Deepwater Horizon, đã suýt chết trong vụ nổ khủng khiếp cướp đi sinh mạng của 11 đồng nghiệp. Bị mắc kẹt trên giàn khoan đang cháy sau vụ nổ, bị thương nặng, Mike Williams đã nhảy từ độ cao gần 300m xuống Vịnh Mexico và cuối cùng đã được máy bay trực thăng cứu hộ Coast Guard cứu sống.
Đối với Mike Williams và thân nhân của những người bị nạn trải qua thời gian khi thảm họa diễn ra 40 dặm ngoài khơi bờ biển Louisiana, thì bộ phim Deepwater Horizon chính là một cách để vinh danh những đồng nghiệp, người thân của họ đã qua đời. Là một cố vấn trong quá trình sản xuất trên phim trường, Mike Williams cho biết: "Tôi đã quyết định chấp nhận thách thức để đưa câu chuyện này lên màn hình; muốn dùng bộ phim để nói chuyện với 11 anh em đồng nghiệp mà tôi không thể nói được. Chúng tôi cần nói sự thật về những gì đã xảy ra. Nếu bất cứ một thành viên nào trong gia đình họ phản đối dự án, thì coi như chúng tôi thất bại".
Mike Williams – kỹ sư trưởng trên giàn khoan dầu Deepwater Horizon
Làm một bộ phim 6 năm sau thảm kịch, đạo diễn Peter Berg muốn Deepwater Horizon mang thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tới cho những người chỉ biết đến nó trên bản tin. Ông nói: "Deepwater Horizon có những yếu tố của một bộ phim về thảm họa, nhưng đó là một câu chuyện có thật". Mark Wahlberg, người đóng vai Mike Williams trong bộ phim cho biết: "Chúng tôi không muốn vẽ bằng những con số, mà muốn làm bộ phim càng chân thật càng tốt. Tôi cảm kích sự can đảm của hãng phim khi thực hiện một bộ phim hành động mà không có cơ hội cho việc thực hiện một phần tiếp theo".
Mark Wahlberg trong vai Mike Williams
Trước đó, những thảm họa có thật đã là cảm hứng cho nhiều bộ phim của Hollywood như The Perfect Storm, Titanic, The Impossible và Everest. Tuy nhiên, khi đưa Deepwater Horizon lên màn ảnh, nhà làm phim phải đối đầu với nhiều thách thức. Đầu tiên là việc phải truyền đạt một số lượng lớn các thông tin kỹ thuật và thuật ngữ chuyên ngành tới khán giả, những người chỉ hiểu mơ hồ về cách dầu được khai thác từ dưới đáy đại dương ra sao và cuộc sống trên một giàn khoan ngoài khơi như thế nào.
Tiếp theo là những điều tra liên tục của chính phủ, các vụ kiện tụng và tranh luận chính trị sau khi thảm họa xảy ra, khiến Deepwater Horizon không còn là câu chuyện đơn giản về sự tồn tại và chủ nghĩa anh hùng cá nhân. 87 ngày sau vụ nổ, hàng chục ngàn thùng dầu lan trên Vịnh Mexico, gây hại trên diện rộng từ động vật hoang dã đến du lịch và ngành công nghiệp đánh cá từ Texas tới Florida. Công ty BP, người chịu trách nhiệm chính về sự cố tràn dầu, đã phải tốn hàng tỷ đô la vì nộp phạt và chi phí dọn dẹp.
Thứ ba là thái độ cảnh giác ban đầu của một số người sống sót, cũng như các thành viên trong gia đình của nạn nhân trước việc làm một bộ phim về thảm họa Deepwater Horizon.
Nhưng đạo diễn Peter Berg cho biết mục tiêu của ông từ khi bắt đầu Deepwater Horizon là tập trung vào những câu chuyện của con người trước thiên tai. Ông nói: "Cho đến nay, khi nghĩ về Deepwater Horizon, mọi người chỉ nghĩ về một vụ tràn dầu và làm nhiều bồ nông chết. Rõ ràng sự cố tràn dầu là khủng khiếp, nhưng cũng có một sự thật là 11 người đàn ông chết trên giàn khoan và những người đàn ông đã cố gắng để ngăn chặn dầu tràn, chắc chắn không phải là lỗi của họ. Bộ phim liên quan đến các gia đình của những người đàn ông đã qua đời. Tôi muốn họ cảm thấy một mặt khác của câu chuyện, để bất cứ khi nào khi ai đó nói về Deepwater Horizon hoặc khoan dầu ngoài khơi, thì mọi người không tự động nghĩ tới 'sự cố tràn dầu".
Mỹ nam "Giải Mã Mê Cung" Dylan O'Brien trong "Deepwater Horizon"
Với ngân sách làm phim khoảng 110 triệu USD, đoàn phim Deepwater Horizon đã xây dựng một giàn khoan lớn giống đến 85% giàn khoan thật ở bãi đậu xe của một công viên giải trí bị bỏ hoang ở Louisiana. Trọng lượng thép được sử dụng là gần 1,4 triệu tấn. Từng chi tiết của Deepwater Horizon đã được tái tạo một cách chi tiết tỉ mỉ. Mike Williams nói: "Tất cả đều chi tiết, từ thứ lớn cho tới thứ nhỏ như các lọ muối và lọ tiêu trong bếp".
Một nhân vật có thật khác trong phim là Caleb Holloway (do Dylan O'Brien thể hiện) nói: "Thật là kỳ lạ khi nhìn thấy phim trường. Nó giống đến nỗi tôi có cảm giác như muốn đi làm. Nhưng mục tiêu chính của tôi là muốn mọi người đều biết Shane Roshto (Henry Frost đóng), Adam Weise (Jeremy Sande đóng) và Karl Kleppinger (Garrett Kruithof) là những người đã qua đời. Tôi muốn cá nhân các diễn viên biết họ là ai".
Ban đầu, khi Mike Williams được tiếp cận về dự án, anh đã do dự về việc sẽ bị đưa vào làm nhân vật chính trên phim như một anh hùng. Đạo diễn Peter Berg nói: "Anh ấy đã rất lo lắng về những gì được gọi là "ăn cắp sự dũng cảm". Anh ấy muốn chắc rằng chúng tôi đã không gán cho anh ấy hàng loạt những việc mà mình không làm, hoặc là bất kỳ điều gì biến anh ấy thành anh hùng hơn những người khác trên giàn khoan, và tôi tôn trọng điều đó".
Là một trong những người quen thuộc nhất với các hoạt động của giàn khoan và là một trong những người cuối cùng rời khỏi nó, Mike Williams là một nguồn tài nguyên vô giá. Nam diễn viên Mark Wahlberg nói: "Khi gặp Mike, tôi chỉ nhấn mạnh rằng chúng tôi muốn anh ấy là cố vấn. Tôi muốn anh ấy có mặt ở đó với chúng tôi và chắc chắn rằng chúng tôi đã thể hiện mọi điều càng chính xác càng tốt".
Kịch bản của bộ phim (do Matthew Sand và Matthew Michael Carnahan chấp bút) là một cái nhìn thấu đáo vào bài báo trên New York Times năm 2010 kể về những giờ cuối cùng của Deepwater Horizon (tác giả David Barstow, David Rhode và Stephanie Saul). Để tìm ra câu chuyện chọn lọc giữa rất nhiều chi tiết là nhiệm vụ không dễ dàng. Cuối cùng, câu chuyện tập trung vào một số ít các nhân vật có thật bao gồm Mile Williams (Mark Wahlberg), quản lý lắp đặt ngoài khơi Jimmy Harrell (Kurt Russell), nhân viên cầu cảng Andrea Fleytas (Gina Rodriguez) và đại diện công ty BP - Donald Vidrine (John Malkovich).